ClockThứ Tư, 31/05/2023 06:57
Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá:

Ngăn chặn từ sớm việc sử dụng thuốc lá điện tử

TTH - Thuốc lá điện tử đang là mối lo của xã hội. Theo các chuyên gia, tốt nhất nên có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu, bởi nó để lại hệ lụy khôn lường.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hộiTác hại khôn lường từ thuốc lá điện tử“Lập rào chắn” cho trẻ trước thuốc lá điện tử

leftcenterrightdel
 Cơ quan chức năng thu giữ thuốc lá điện tử trái phép trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Công an cung cấp

Nguy hại

Nhà tôi ở sát một ngôi trường THCS trong thành phố nên dễ bắt gặp hình ảnh một số học sinh (HS) miệng phì phà thuốc lá điện tử (TLĐT) xuất hiện khá nhiều trong thời gian gần đây. Góc nhà xe và phía sau dãy lớp học là địa điểm vắng vẻ cho các em rủ rê “thưởng thức, trải nghiệm”. Một HS lớp 6 trường này kể: “Vài bạn trong lớp em được một bạn lớp khác mời thử, có bạn hùa theo hít vài hơi rồi kêu thơm lắm. Hàng tuần, giờ chào cờ hoặc các giờ sinh hoạt lớp, thầy cô đều có nhắc nhở và nêu tác hại của loại thuốc lá này, song có bạn vẫn lén lút dùng”.

Dạo một vòng quanh các quán cà phê cạnh các ngôi trường vùng ven, cảnh sử dụng thuốc lá điện tử trong HS diễn ra công khai, hút chung có, riêng có. T.V.V.L., một HS ở một trường THPT tại TP. Huế cho hay, em và bạn bè góp tiền mua chung để có thể dùng nhiều loại khác nhau. “Bữa ni có tiền họ ship tận nơi. Mỗi điếu chừng vài chục cho đến trăm nghìn đồng, trên mạng tha hồ loại để lựa. Cũng có khi mấy bạn mua về bán cho nhau. Hút thuốc ni tụi bạn nhìn mình khác liền. Có khi tụi em mua làm quà tặng sinh nhật”, V.L. nói.

Một bác sĩ tại Huế cho biết, từng tiếp nhận tư vấn nhiều trường hợp nghiện hút thuốc lá điện tử nặng từ trong cả nước, trong đó có một số ca là học sinh - sinh viên ở Huế. Vị bác sĩ này cho hay, người bệnh thường có biểu hiện đau đầu, mất ngủ; nặng hơn là loạn thần, ảo giác. Nếu gia đình sát sao theo dõi điều trị cùng con mới chấm dứt việc sử dụng TLĐT ở trẻ; còn không vẫn có trường hợp tái nghiện, bệnh nặng ảnh hưởng đến chức năng não, hậu quả nặng nề hơn.

Có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm TLĐT; trong đó, một số chất được xem là các chất độc. Khi hút, hợp chất này được đốt nóng và tạo khói với nhiều mùi thơm khác nhau. Trong TLĐT có hương liệu tạo mùi thơm, có thể gây ngộ độc hoặc gây kích thích, từ đó dẫn tới sử dụng các chất gây nghiện khác. Mỗi chất có thể gây bệnh khác nhau, khi đi vào cơ thể khiến đường hô hấp bị tổn thương, gây hen phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp, nguy cơ bệnh lý mạch vành, nhồi máu cơ tim…

Ngày 23/5, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống tác hại của thuốc lá với sự tham dự của nhiều chuyên gia y tế. Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy rằng, với TLĐT, tốt nhất nên có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu. Bên cạnh nhiều tác hại cho sức khỏe là nguy cơ sử dụng ma túy cùng TLĐT. Năm 2015, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2% đến nay đã tăng 18 lần lên khoảng 3,6%. ThS. Nguyễn Văn Cương, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, qua phản ảnh và nắm tình hình từ cơ sở cho thấy, việc sử dụng các sản phẩm TLĐT, thuốc lá nung nóng đang diễn ra ở lứa tuổi thanh niên, trong đó có học sinh.

Rối loạn tâm thần do sử dụng TLĐT

Gần đây, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin một số trường hợp học sinh phải cấp cứu vì ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong TLĐT. Mặc dù chưa ghi nhận tình trạng sốc, cấp cứu vì loại thuốc lá này song Bệnh viện Tâm thần (BVTT) Huế thời gian qua đã tiếp nhận một số trường hợp rối loạn sức khỏe tâm thần do dùng TLĐT, nhỏ nhất là lứa tuổi 15-16. Gần đây nhất là trường hợp một sinh viên biểu hiện rối loạn cảm xúc, rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng, triệu chứng thần kinh thực vật. Một trong những thứ bệnh nhân này nghiện chính là TLĐT, loại 300-600 nghìn đồng, đổ tinh dầu hút hàng trăm lần.

Sinh viên này kể lại, khi hút loại thuốc này có mùi thơm, cảm giác sảng khoái, tạo ra ảo giác khác lạ. Tuy nhiên, khi ngừng sử dụng thường có triệu chứng đổ mồ hôi, tim đập mạnh, run rẩy…Một số người cơ địa bị cảm nhiễm, khi sử dụng chất gây nghiện trong TLĐT sẽ kích hoạt tình trạng loạn thần sẵn có (bệnh đồng mắc) rất nguy hiểm.

Phương pháp điều trị cho bệnh nhân bị loạn thần do TLĐT tương tự như điều trị nghiện các chất khác, tùy mức độ theo hình thức nội trú hoặc ngoại trú. Cùng với tư vấn tâm lý, đội ngũ y, bác sĩ BVTT Huế tiến hành điều trị giảm dần các triệu chứng cai và điều trị các chứng loạn thần nếu có.

ThS. BS. Hồ Dũng, Giám đốc BVTT Huế lưu ý, nếu người sử dụng TLĐT có biểu hiện bứt rứt, khó kiểm soát về cảm xúc, nóng giận, loạn thần, hoang tưởng, sợ hãi vô cớ, rối loạn giấc ngủ… nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra, điều trị. “Hiện BVTT đã công bố số điện thoại tổng đài chăm sóc khách hàng: 0846881075 để tư vấn cho những người có nhu cầu. Việc điều trị nội, ngoại trú đảm bảo riêng tư, an toàn cho bệnh nhân và người nhà”, ThS. BS. Hồ Dũng nói thêm.

Mới đây, UBND tỉnh ban hành Công văn số 4645/UBND-VH chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, kinh doanh sản phẩm TLĐT, thuốc lá nung nóng, shisha vì các sản phẩm này hiện là những sản phẩm chưa được cấp phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam.

Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2023, Bộ Y tế tổ chức phát động Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 - 31/5/ 2023. Chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2023 được Tổ chức Y tế thế giới phát động: “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá”.
LINH TUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để giảng đường không khói thuốc lá

Với nhiều biện pháp tích cực, nhiều trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc Đại học Huế (ĐHH) đã hạn chế tối đa cán bộ, giảng viên, sinh viên hút thuốc lá trên giảng đường.

Để giảng đường không khói thuốc lá

TIN MỚI

Return to top