|
Giá dầu ăn đã qua sử dụng sẽ tiếp tục cao trong tương lai trung hạn. Ảnh minh họa: Hakawa |
Cùng với nguồn cung UCO hợp pháp vẫn còn hạn chế, các chuyên gia theo dõi thị trường tin tưởng điều này sẽ hỗ trợ giá UCO trong tương lai trung hạn.
Được biết, khối lượng xuất khẩu dầu ăn đã qua sử dụng từ châu Á, nơi thu gom UCO lớn nhất, đã tăng hơn 5 lần trong giai đoạn từ 2016 - 2021 lên tổng cộng 2,5 tấn, chiếm 38% tổng lượng xuất khẩu UCO toàn cầu.
Nhu cầu mạnh mẽ từ Mỹ và châu Âu
Theo dữ liệu từ Argus, châu Âu là nơi tiêu thụ UCO lớn nhất trên toàn cầu, trong đó Hà Lan, Vương quốc Anh và Italy là các quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng trong khu vực.
UCO châu Á cũng là nguồn nguyên liệu sinh học không thể thiếu cho các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học châu Âu. Hiện nay, ngày càng nhiều nhà sản xuất nhiên liệu sinh học ở Mỹ và ngay tại châu Á cũng đang chuyển sang nguồn UCO châu Á.
Riêng ở Mỹ, nhu cầu UCO đã tăng vọt kể từ khi chính phủ đưa ra các ưu đãi vào năm 2022 để giảm thiểu CO2 trong giao thông vận tải. Điều này đã đưa quốc gia từ nước xuất khẩu ròng dầu ăn đã qua sử dụng trở thành nước nhập khẩu ròng kể từ năm 2022. Theo dữ liệu của chính phủ, lượng UCO nhập khẩu vào Mỹ đã vượt quá 1,36 triệu tấn vào năm 2023.
Nhu cầu mạnh mẽ nhưng nguồn cung hạn chế
Theo nhận định của các chuyên gia, việc áp dụng Tiêu chuẩn Nhiên liệu Carbon thấp và Tín dụng Sản xuất Nhiên liệu Sạch sắp tới sẽ tạo ra lợi thế cho nguyên liệu có cường độ Carbon thấp như UCO.
Bên cạnh đó, UCO cũng sẽ tiếp tục tăng trước xu hướng toàn cầu đang thúc đẩy nỗ lực giảm phát thải Carbon trong các ngành như vận tải đường bộ, hàng hải và hàng không.
Trong bối cảnh hiện nay, sản phẩm dầu ăn đã qua sử dụng này sẽ tiếp tục được “săn đón nồng nhiệt” khi nguồn nguyên liệu có hạn.
Giám đốc năng lượng và tài nguyên thiên nhiên của tập đoàn Oliver Wyman Eddison Lee nhấn mạnh: “Khi làn sóng nhà máy nhiên liệu sinh học tiếp theo đi vào hoạt động, nhu cầu về UCO có thể sẽ tiếp tục tăng, với khả năng tổng hợp mới hơn và tiến bộ công nghệ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ gia tăng nguồn cung để đáp ứng nhu cầu”.
Do nhu cầu tăng và nguồn cung còn hạn chế trên toàn cầu, dự báo giá của UCO vẫn sẽ được hỗ trợ trong tương lai trung hạn. Ngoài ra, xu hướng khử Carbon thúc đẩy nhu cầu UCO sẽ không chỉ xuất hiện ở phương Tây mà còn ở châu Á.
Điều này được thể hiện rõ nhất khi Singapore yêu cầu từ năm 2026, tất cả các chuyến bay khởi hành phải sử dụng 1% nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) và con số này dự kiến sẽ tăng lên thành 3% - 5% vào năm 2030.
Không chỉ Singapore, các nước khác trong khu vực, đơn cử như Nhật Bản cũng tuyên bố đến năm 2030, SAF sẽ chiếm ít nhất 10% mức tiêu thụ nhiên liệu máy bay của các hãng hàng không trong nước. Trong khi Indonesia cũng đưa ra lộ trình phát triển SAF, tập trung vào UCO như một trong những nguyên liệu đầu vào.