Lợi ích của nước đá
Khi thời tiết oi bức hoặc khi chúng ta vận động mạnh gây đổ mồ hôi, nóng nực và khó chịu cho cơ thể, nước đá chính là “vị cứu tinh” giúp giải tỏa cơn khát tức thì, hạ nhiệt nhanh chóng để mang lại cảm giác sảng khoái thư giãn cho cơ thể. Theo y học có một số vùng ở thùy thái dương khi được kích thích bằng việc ăn uống đồ lạnh (nước đá, kem tươi,...), thì có thể tiết ra hóc môn hưng phấn giúp giải tỏa và cải thiện tâm trạng tức thì cho con người.
Bên cạnh đó, nước đá cũng giúp giảm cân. Theo cơ chế điều hòa thân nhiệt, khi bạn uống nước ấm thì nhiệt độ của nước ấm gần tương thích với nhiệt độ 37 độ C của cơ thể, vì thế cơ thể không cần tốn thêm năng lượng để ủ ấm. Tuy nhiên khi bạn dùng nước đá, cơ thể phải làm việc nhiều hơn để điều hòa nhiệt độ về mức ổn định, nên sẽ đốt nhiều năng lượng calo hơn dẫn đến giảm cân. Vì thế, những người béo phì muốn giảm cân có thể uống nước đá thay cho nước lọc để tiêu hao bớt năng lượng trong cơ thể và hỗ trợ giảm cân. Đây cũng chính là tác dụng của nước đá được nhiều chị em phụ nữ yêu thích.
Tác hại của nước đá
Gây viêm họng, mũi là một trong những tác hại đầu tiên cần kể đến của nước đá. Khi cơ thể khỏe mạnh, bản chất nước đá không gây viêm họng nhưng nếu cơ thể có sức đề kháng yếu, đang bị viêm họng hoặc nước đá không “sạch” thì sẽ là tác nhân khiến cho tình trạng viêm họng tồi tệ hơn. Việc uống nước đá bẩn sẽ càng gia tăng thêm vi khuẩn, virus xâm nhập tấn công họng, gây viêm nhiễm, khàn tiếng, đau rát, thậm chí đến viêm mủ hoặc viêm họng cấp tính. Ngoài ra, lúc này cơ chế tự vệ của mũi cũng kích thích chất nhầy tiết ra nhiều hơn, gây viêm mũi, khó thở khò khè. Do vậy, trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, người hô hấp kém hoặc đang viêm họng thì tuyệt đối không nên uống nước đá mà nên thay bằng nước ấm được lọc sạch.
Không những vậy, khi uống nước đá, một số người có răng nhạy cảm sẽ cảm nhận rõ sự ê buốt do tác động của nước đá gây ra. Còn những ai răng khỏe thường ít cảm nhận được nhưng không có nghĩa là nước đá không tác động đến răng khỏe. Nước đá luôn âm thầm tác động đến men răng, kích thích gây nứt hoặc sâu răng. Những người có thói quen ăn đá, nhai đá còn làm cho răng yếu hơn, tăng nguy cơ gãy mẻ, lung lay sớm.
Riêng đối với bệnh nhân tiêu hóa kém, nước đá làm co thắt mạch máu nuôi dưỡng dạ dày, khiến cho niêm mạc dạ dày thiếu máu, giảm khả năng co bóp nghiền thức ăn, giảm khả năng sát khuẩn, từ đó dẫn đến nhiều bệnh về tiêu hóa. Ngoài ra, nước đá còn góp phần làm co thắt đường ruột, khiến cho nhu động đường ruột hoạt động nhanh bất thường, gây đau bụng hoặc tiêu chảy.
Độ sạch của nước vốn không thể phân biệt bằng mắt thường. Một ly nước trong, không mùi, trông có vẻ sạch nhưng có thể tồn tại hàng triệu vi khuẩn hoặc độc tố như: Asen, clo dư, kim loại nặng... chỉ nhìn thấy được dưới kính hiển vi. Nước được đông đá thì lại càng khó quan sát màu, mùi vị để kiểm soát chất lượng.
Uống nước đá đúng cách
Uống nước đá thường xuyên vào ngày hè hoàn toàn không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, với nhiều người thì nước đá gần như là thức uống không thể thiếu trong những ngày hè nắng nóng. Do đó, nên uống nước lạnh (nhiệt độ 5 - 10 độ C) thay nước đá, hạn chế tối đa việc uống nước đá. Đồng thời, để vừa uống nước đá vừa đảm bảo sức khỏe trong giới hạn có thể, mọi người cần lưu ý: Không uống nước đá nhiều khi vừa đi nắng về; uống nước đá từ từ, chậm rãi; hạn chế uống nước đá vào buổi tối; trẻ em và người già có sức đề kháng yếu, người có bệnh lý răng miệng, người bị viêm tai mũi họng hoặc phổi, người có tiêu hóa kém... nên hạn chế sử dụng và uống nước đá làm từ cơ sở uy tín hoặc tự làm đông lạnh đá tại nhà, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
TS.BS. NGUYỄN ĐỨC HOÀNG