ClockThứ Hai, 29/05/2023 14:57

Tình trạng bạo lực mạng ngày càng gia tăng

TTH - Thời đại công nghệ phát triển, ngày càng nhiều trẻ em được tiếp xúc với mạng xã hội từ bé. Từ đó, nhiều nguy cơ tiềm ẩn về bạo lực mạng đối với trẻ em ngày một tăng lên.

Giáo dục đạo đức cho đoàn viên, thanh niên trong trường họcBạo lực học đường & những giải phápBáo động nạn bạo lực học đường

leftcenterrightdel
Tình trạng tấn công qua mạng internet có xu hướng gia tăng 

Những con số biết nói

Tháng 2 năm nay, trên mạng xã hội xôn xao câu chuyện của cô Zheng Linghua (người Trung Quốc) tự vẫn vì bị bắt nạt trực tuyến khi liên tục bị công kích bởi mái tóc nhuộm hồng của cô. Những đối tượng bắt nạt gửi đến cô những bình luận ác ý, châm chọc, khiến Zheng rơi vào trầm cảm rồi dẫn đến quyết định kết thúc cuộc sống của mình.

Không đến mức nghiêm trọng như Zheng, nhưng nhiều trẻ em hiện nay cũng đang phải hứng chịu tình trạng bị bắt nạt trên mạng xã hội. Nguyễn Minh Anh, học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong thường xuyên khó chịu, bất hợp tác với mẹ mỗi lần mẹ chụp ảnh em rồi đăng tải lên facebook. “Em không muốn mẹ đăng hình mình lên mạng, bởi bạn bè em sẽ chụp lại những bài đăng rồi gửi lên nhóm lớp để chọc ghẹo, trêu đùa em”, Minh Anh chia sẻ.

UNICEF định nghĩa bắt nạt trên mạng là bắt nạt bằng việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Nó có thể diễn ra trên phương tiện mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, nền tảng chơi game và điện thoại di động. Đó là hành vi lặp đi lặp lại, nhằm mục đích khiến những người bị nhắm mục tiêu sợ hãi, tức giận hoặc xấu hổ.

Theo nghiên cứu của tổ chức này vào năm 2019, 21% thanh, thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát cho biết, họ là nạn nhân của bắt nạt trên mạng và hầu hết (75%) đều không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể giúp họ nếu bị bắt nạt, hoặc bị bạo lực trên mạng. Một nghiên cứu khác của tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children) chỉ ra rằng, 70,8% trẻ em Việt Nam từ 11 đến 14 tuổi từng chứng kiến hành vi bắt nạt trực tuyến, trong đó có 60,2% là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến.

Những số liệu thống kê trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bắt nạt trên mạng ngày càng gia tăng và gây ra hậu quả nghiêm trọng đáng báo động. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trẻ bị bắt nạt mà thậm chí không biết mình đang bị bắt nạt, hoặc phụ huynh không hay biết việc con em mình thường phải hứng chịu những lời lẽ công kích, chê bai.

Theo UNICEF, khi những tác động tiêu cực kéo dài sẽ ảnh hưởng đến trẻ em về tinh thần, tình cảm và thể chất, khiến trẻ có nguy cơ bị trầm cảm, thậm chí tự kết liễu mình để thoát khỏi sự giễu cợt trên mạng xã hội.

Chia sẻ là giải pháp

ThS. Nguyễn Thị Anh Đào, Phó khoa Xã hội học và Công tác xã hội, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng bắt nạt trực tuyến xảy ra: “Bắt nạt trực tuyến có thể là hành vi trả đũa của những trẻ thường xuyên bị bắt nạt ở học đường, hoặc do khao khát thể hiện bản thân mình có “quyền lực” trên mạng xã hội, thậm chí là do thù ghét và ganh tỵ. Với hình thức bắt nạt này, nhiều đối tượng không sợ bị phát hiện danh tính thật, dần dà chúng xem đây như một trò tiêu khiển trong cuộc sống”.

Nếu cảm thấy đang bị đe dọa trực tuyến, trẻ nên nói chuyện với một người lớn đáng tin cậy, như bố, mẹ hoặc bất kỳ ai mà trẻ cảm thấy an toàn khi trò chuyện. “Có thể ban đầu sẽ có sự ngại ngùng vì nhiều trẻ em không muốn bố mẹ biết những điều mình làm trên mạng xã hội. Nhưng các em nên giải thích mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà mình đang gặp phải để nhận được những lời khuyên và tránh xa những mầm mống tiêu cực”, ThS. Anh Đào phân tích.

Bên cạnh việc chia sẻ với người lớn, các em cũng có thể chủ động báo cáo những bình luận, những bài viết ảnh hưởng tới bản thân mình thông qua những chức năng trên mạng xã hội. Đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111 cũng là địa chỉ uy tín để các em có thể tìm cách bảo vệ bản thân mình.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top