Ra tết, người dân sống trên đường Đặng Huy Trứ (TP. Huế) hết sức sợ hãi và bức xúc trước tình trạng một nhóm thanh thiếu niên xăm trổ, tóc đỏ tóc xanh cưỡi xe máy, đua nhau “quần thảo” nẹt pô, lạng lách trên tuyến đường này. Biết tôi là “ông nhà báo”, họ gọi điện phản ánh và nhờ can thiệp. Khổ, báo chí thì làm gì có gậy giao thông, roi điện hay síp-lê síp-liếc gì để bọn này ngán ngại. Mà chạy đi chụp ảnh viết bài thì biết bao giờ nỗi bức xúc của bà con được giải quyết? Một thoáng suy nghĩ, thôi, hay nhất là trực tiếp phản ánh đến công an.
TNGT do hoặc có nguyên nhân từ mô tô, xe máy vẫn là nỗi ám ảnh của toàn xã hội (Ảnh minh họa)
Nghĩ là làm, tôi bấm số gọi đồng chí trưởng công an phường Trường An, cũng là chỗ anh em quen biết. Nghe qua, anh ấy cảm ơn đã báo cho biết, đồng thời cũng thông tin, tuyến đường ấy giáp giới 2 phường: Trường An và Phước Vĩnh. Do vậy, sẽ phối hợp với công an Phước Vĩnh để xử lý.
Hôm sau, tôi được anh báo cho hay là đêm hôm trước, lực lượng phối hợp đã tuần tra vây bắt và xử lý nhiều đối tượng. Như vậy là quá nhanh và quá xứng đáng để được hoan nghênh. Người dân nghe tin cũng thở phào nhẹ nhõm. Cánh phóng viên tòa soạn chúng tôi cũng đã lập tức tìm hiểu để có bài ghi nhận.
Nhưng bẵng đi một thời gian ngắn, mới đây một người quen hiện sống trên đường Đặng Huy Trứ lại tìm đến vẻ thảng thốt và bức xúc: Bọn quái xế ấy lại xuất hiện hoành hành, không còn coi pháp luật và dư luận ra thể thống gì! Vậy là tôi phải “bổn cũ soạn lại”, lập tức thông tin cho anh bạn công an.
Tất nhiên, rất tin là lực lượng chức năng sẽ lại ra tay để xử lý. Nhưng, một câu hỏi làm tôi cứ cảm thấy bức bối là tại sao nạn quái xế cứ bị bắt, bị xử lý mà mãi vẫn không thấy dứt điểm được. Đường Đặng Huy Trứ chỉ là một “đơn vị lẻ”, còn rộng ra là hầu như khắp các địa phương, người dân vẫn phải đối diện với loại tệ nạn rất nguy hiểm, rất đáng lên án này. Ở đô thị, mà đặc biệt là ở những thành phố lớn, tệ nạn này lại càng phức tạp. Câu trả lời có lẽ không gì khác là do chế tài chưa đủ nặng. Chưa đủ nặng nên chưa đủ sức răn đe, vậy nên nó cứ như một căn bệnh cho dùng kháng sinh mà chưa đủ liều, sinh ra nhờn thuốc, rất khó chữa.
Viết đến đây chợt nhớ chuyện về ông Nguyễn Bá Thanh (cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, sau là Trưởng ban Nội chính TƯ) trị nạn đua xe ở thành phố quê hương ông mà bây giờ có người vẫn còn nhắc. Ông Nguyễn Bá Thanh lý giải tại sao Đà Nẵng (khi ông là lãnh đạo thành phố này) không có nạn đua xe? Đó là tại vì xe đua trái phép ông lệnh cho tịch thu hết, bán lấy tiền xây nhà cho người nghèo. Họp Quốc hội, ông bị đại biểu chất vấn: Đà Nẵng căn cứ luật nào mà cho tịch thu xe đua? Ông không trả lời thẳng mà cắc cớ hỏi lại, vậy chớ các vị cho tôi biết có luật nào cho phép bỗng không lại mang xe ra đường phố đông đúc mà đua? Rồi cán chết, gây thương tật, gây đau khổ cho bao người khác?!!... Chuyện có màu sắc giai thoại, nhưng cũng cho mọi người hiểu ra, phải tăng nặng hình phạt một cách quyết liệt thì nạn đua xe, nạn coi thường luật an toàn giao thông đường bộ may ra mới dẹp được.
Tai nạn giao thông (TNGT), nhất là TNGT đường bộ, trong đó, đặc biệt là TNGT do hoặc có nguyên nhân từ mô tô, xe máy gây ra đã và vẫn đang là nỗi ám ảnh của toàn xã hội. Các cơ quan lập pháp nếu có giải pháp quyết liệt cho vấn đề này, thiết nghĩ sẽ nhận được sự hoan nghênh ủng hộ từ dư luận và của đại đa phần người dân. Phạt nặng, phạt nghiêm, phạt triệt để-Đó mới chính là trị bệnh từ gốc.
Bài, ảnh: Hiền An