ClockThứ Hai, 27/05/2019 13:15

Từ cái vỏ chuối cầm trên tay

TTH - Cứ đi ra chợ, cứ rảo nhiều nơi, cứ chịu khó quan sát… chúng ta sẽ thấy nhiều quy định đặt ra không thể nào hoặc khó thực hiện trong thực tế, với điều kiện hiện tại.

Đống rác ven quốc lộGiải quyết tận gốcXả rác và câu chuyện của ý thức

Ví dụ như chuyện này. Chuyện phải hạn chế và tiến đến có biện pháp chấm dứt túi ni lon sử dụng một lần. Mục đích là quá tốt đẹp nhằm bảo vệ môi trường, mà trong đó con người và cả thiên nhiên cùng sống hài hòa. Biện pháp cũng đã được nêu ra không thiếu, rằng phải là thế này, làm thế kia… tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về việc này. Trách nhiệm cũng được giao những phần việc cho các ngành các cấp chức năng hoặc có liên quan rất cụ thể… Về mặt “lý thuyết” mà nói, một chủ trương đưa ra như thế là chặt chẽ. Nhưng tất cả trong chúng ta, thử một lần ra chợ, hoặc ghé một nơi buôn bán nào đó sẽ thấy một thực tế hoàn toàn khác. Dường như đại bộ phận người dân không quan tâm lắm những điều trên “lý thuyết”, họ quan tâm đến nhu cầu thiết thực, trước mắt của họ nhiều hơn. Trong số người đi chợ, không ít công chức, viên chức, nghĩa là những người nằm trong bộ máy Nhà nước, người phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, có thực hiện rốt ráo điều này không? Cứ đi ra chợ, chịu khó quan sát chúng ta sẽ có câu trả lời chính xác nhất.

Đây chỉ là một ví dụ, còn nhiều ví dụ khác. Giao thông “loạn xạ” và nhiều người vi phạm nhất là điều chúng ta thấy hàng ngày… Nói một cách hoa mỹ về điều này là: chủ trương chưa đi vào cuộc sống. Vì sao những chủ trương tốt đẹp, thiết thực với đời sống của người dân; nó làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn lên lại không đi vào cuộc sống?

Phải chăng ở đây có một điều gì đó “mâu thuẫn” giữa chủ trương và cuộc sống!? Hay nói cách khác giữa chủ trương và nhu cầu cuộc sống “không trùng với nhau”.

Vỉa hè dành cho người đi bộ, là nơi để trồng cây xanh làm đẹp cho đô thị. Nói chung đây là không gian dành cho công cộng. Nhưng nhìn khắp thành phố của chúng ta, có mấy con đường không bị lấn chiếm vỉa hè. Chủ trương không lấn chiếm vỉa hè, để vỉa hè thông thoáng là một chủ trương đúng. Nhưng thực tế nó lại có một nhu cầu khác: đại bộ phận người dân đi xe máy, muốn mua một mặt hàng nào đó, sử dụng một dịch vụ nào đó không có cách nào khác là không để xe trên vỉa hè. Chúng ta đã thành lập những đội chuyên làm công tác trật tự đô thị nhưng không thể nào làm xuể vì hiện tượng lấn chiếm vỉa hè quá nhiều, cho nên nó giống như chuyện ném đá ao bèo. Rõ ràng ở đây giữa chủ trương và nhu cầu có một “độ vênh” nhất định. Hay nói cách khác giữa mong muốn và điều kiện để thực hiện mong muốn đó của chúng ta chưa đủ.

Cũng cần phải thống nhất một điều, giữa “lý thuyết” và thực tế nhu cầu đời sống không bao giờ có chuyện trùng khít lên nhau. Vì cuộc sống bao giờ cũng nảy sinh những nhu cầu mới. Kể cả đó là điều tốt đẹp hay không tốt đẹp; kể cả hợp lý hay không hợp lý. Vì vậy, chủ trương, chính sách, pháp luật, quy ước cộng đồng luôn luôn phải được điều chỉnh. Chúng ta không nên duy ý chí mong muốn giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống thiết thân, bức bách của người dân trong một sớm một chiều mà phải điều chỉnh liên tục; trong quá trình điều chỉnh phải cố gắng hoàn thiện các điều kiện. Ví như trong điều kiện hiện tại, không cho mở hàng quán buôn bán và các dịch vụ ở nhà dân là không thể được. Mà đã cho phép hoạt động thì lại thiếu chỗ đỗ xe. Thiếu chỗ đỗ xe thì người ta lấn chiếm vỉa hè; lấn chiếm vỉa hè là sai quy định. Đã sai quy định thì đôi khi người dân tìm cách đối phó, trong đó không loại trừ những cách thức không mấy tốt đẹp… Như vậy muốn không lấn chiếm vỉa hè trong điều kiện hiện tại là rất khó, nếu không muốn nói là chưa thể được. Thế thì tạo điều kiện cho có chỗ đỗ xe. Nếu những khu phố cũ đáp ứng được điều này quá khó, thì chúng ta phải hoạch định để khắc phục nó cho những khu phố mới trong tương lai. Rồi càng ngày, đời sống người dân càng khấm khá, ý thức cộng đồng được nâng cao… Rất có thể những siêu thị (có điều kiện đảm bảo chất lượng hàng hóa và dịch vụ, đảm bảo trích xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa…) sẽ thay thế một phần cách thức buôn bán, sử dụng dịch vụ như hiện tại. Lúc đó tự nhiên việc buôn bán, cung cấp dịch vụ theo kiểu "mặt tiền” như hiện tại sẽ ít đi hoặc bị triệt tiêu. Có thể các loại hình chợ buôn bán thực phẩm không rõ xuất xứ nguồn gốc và các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ mất đi…

Nói tóm lại, muốn phát động một chủ trương gì, có lẽ chúng ta phải xem xét thật kỹ những điều kiện để chủ trương đó dễ dàng thực hiện trong đời sống. Nếu là những điều quá bức xúc trong đời sống, thì hãy tập trung tạo ra những điều kiện mới.

Hôm trước tôi đã nhìn thấy hình ảnh này. Hai du khách nước ngoài tản bộ, một nam một nữ. Họ mua các loại trái cây cầm trên tay. Hai người cầm trên tay những vỏ chuối và tôi quan sát thấy họ vừa đi vừa nhìn, tôi biết họ tìm các thùng rác để bỏ vào. Đất nước chúng ta không phải là đất nước của họ. Có lẽ họ đã ở một trình độ văn minh khác nên có ứng xử khác, dù bất cứ nơi đâu. Trình độ văn minh sẽ triệt tiêu những điều lạc hậu và bất hợp lý. Hy vọng điều này đúng trong mọi hoàn cảnh.

Nguyễn Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phải được chấn chỉnh

Người xưa có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, ý khuyên mọi người phải ý tứ, phải biết học cách hành xử lịch sự, văn hóa, phải đạo với từng hành vi trong cuộc sống.

Phải được chấn chỉnh
Muốn biến chuyển, phải phạt!

Công tác tuyên truyền, giáo dục đã được tiến hành thường xuyên, liên tục, đa dạng. Thế nhưng, vi phạm vẫn cứ hoàn vi phạm. Ngẫm lại, trăm sự đều do…chưa phạt mà ra.

Muốn biến chuyển, phải phạt
Phải chấm dứt tình trạng xả rác, xâm hại cảnh quan di tích

Rất nhiều "Ngày chủ nhật xanh" đã được tổ chức, Xanh- sạch- sáng đã trở thành phong trào của cả tỉnh và được nhiều địa phương duy trì thường xuyên, vậy mà sao vài vị trí rất đáng để mắt như nơi đống rác kia “tọa lạc” lại bị bỏ sót...

Phải chấm dứt tình trạng xả rác, xâm hại cảnh quan di tích
Return to top