ClockThứ Hai, 07/09/2020 09:49

Từ “vụ án bò thả rông”

TTH - Việc chăn nuôi gia súc theo tập quán thả rông, có nguy cơ gây thiệt hại về trồng trọt của người khác, đôi khi còn dẫn đến những vụ án hình sự đáng tiếc.

Chưa ngăn được ô nhiễm trong chăn nuôi

Hôm đó, vào lúc 11 giờ đêm, Đ. nhìn thấy 3- 4 con bò trong vườn keo, tràm nhà mình. Tức giận vì trước đó bò hay vào phá vườn của gia đình, Đ. dùng thanh sắt dài, một đầu có gắn lưỡi dao sắc nhọn, đâm vào 3 con bò, rồi bỏ vào nhà đi ngủ. Hậu quả, 2 con bò cái 3 năm tuổi, mỗi con trọng lượng 200 kg, đang mang thai, 1 con bò cái 6 năm tuổi đang mang thai, trọng lượng 230 kg (3 con bò của 2 gia đình anh N. và anh L.) bị chết.

Trước sự việc những con bò của gia đình nuôi sinh sản để phát triển kinh tế, nhưng nay lại bị thiệt hại, không còn cách nào khác, Anh N. và anh L. tìm người bán thịt để thu hồi phần nào tài sản. Hai gia đình này đã báo cáo với chính quyền địa phương biết, để giám sát việc bán 3 con bò chết. 2 con bò của anh N. được bán với giá 17 triệu đồng. Con bò của anh L. bán được 10 triệu đồng.

Theo định giá của hội đồng định giá huyện A Lưới, thì thiệt hại về tài sản mà Đ. gây ra đối với gia đình anh N. giá trị 34.400.000 đồng; gia đình anh L. là 16 triệu đồng. Tổng giá trị thiệt hại do hành vi của Đ. gây ra là 50.400.000 đồng.

Trước tòa, D. tỏ ra rất hối hận và phân trần, người trong thôn nuôi thả rông, bò nhiều lần vào phá vườn keo, tràm của gia đình, khiến bị cáo bực tức. Thêm lần này nữa, bị cáo không kiềm chế được cơn tức giận, nên mới có hành vi vi phạm pháp luật. Bị cáo rất lo sợ, nếu bị đi tù thì mẹ già ở một mình không ai chăm sóc.

Hội đồng xét xử phân tích cho Đ. đồng thời cũng tuyên truyền cho người dân đang tham dự phiên tòa: Khi vật nuôi của người khác vào vườn nhà mình, gây thiệt hại thì phải báo, để chính quyền địa phương có biện pháp xử lý, giải quyết. Tuyệt đối không được có hành vi hủy hoại tài sản của người khác. Bởi hành xử như vậy là vi phạm pháp luật. Không chỉ “đối mặt” với tù tội, mà còn phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra. Trong lúc đời sống của người dân ở đây còn rất khó khăn, việc bồi thường là “gánh nặng”, liên lụy đến cả gia đình.

Trong vụ án này, những người bị hại thu hồi được một phần tài sản, từ việc bán bò chết, như nêu trên. Tòa tuyên buộc bị cáo phải bồi thường tiếp phần còn thiếu. Bị cáo đã bồi thường cho các bị hại mỗi người 1 triệu đồng, nay phải tiếp tục bồi thường cho anh N. 16.400.000 đồng; bồi thường cho anh L. 5 triệu đồng.

Căn cứ vào những quy định của pháp luật, một lần nữa, tòa phân tích cho bị cáo, bị hại đồng thời tuyên truyền cho người dân: Hành vi của bị cáo xâm hại quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ. Tài sản mà bị cáo xâm phạm có giá trị lớn, do đó cần bị xử lý nghiêm để giáo dục riêng, phòng ngừa chung. Tuy nhiên, các bị hại cũng có một phần lỗi, do chăn nuôi bò thả rông bừa bãi, để bò đi vào vườn nhà bị cáo nhiều lần. Áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, đồng thời tạo điều kiện cho bị cáo có cơ hội chăm sóc mẹ già, lao động để có tiền tiếp tục bồi thường, tòa tuyên xử bị cáo 2 năm tù, cho hưởng án treo.

“Qua vụ án này, cần chấn chỉnh, chấm dứt chăn nuôi thả rông. Bởi điều này sẽ dẫn đến gây thiệt hại, ảnh hưởng tài sản, cây cối, hoa màu của người khác, gây mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, có thể dẫn đến các hệ lụy đáng tiếc”- Thẩm phán, Chánh án Tòa án Nhân dân huyện A Lưới, ông Hồ Văn Vĩnh tuyên truyền tại phiên tòa.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến quy mô lớn và an toàn trong chăn nuôi

Hình thành các trang trại có quy mô lớn, các khu chăn nuôi tập trung phù hợp với từng địa phương; phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học và bền vững là vấn đề đặt ra trong phát triển chăn nuôi ở giai đoạn mới.

Hướng đến quy mô lớn và an toàn trong chăn nuôi
Return to top