Cần yêu cầu và giám sát các hộ nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường để hạn chế ô nhiễm trong chăn nuôi
Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có tổng đàn lợn khoảng 105.560 con; trâu, bò khoảng 46.400 con và tổng đàn gia cầm khoảng 3.620 nghìn con. Tuy các con nuôi đều giảm so với cùng kỳ, trong đó, lợn giảm gần 34% và các con nuôi khác giảm từ 0,4-1,9%, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ tại các khu vực chăn nuôi vẫn xảy ra, chủ yếu từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ, lẻ của các hộ gia đình, cá nhân.
Qua các đợt kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân trên là do các hộ nuôi không đầu tư các công trình xử lý môi trường, chuồng trại không đảm bảo khoảng cách với nhà dân nên tình trạng ô nhiễm mùi hôi, nước thải thường xuyên xảy ra, mặc dù đã được tuyên truyền, khuyến cáo chăn nuôi theo phương thức an toàn, bài bản.
Mặt khác, do công tác quy hoạch chưa đồng bộ, sát với thực tế, một số địa phương chưa có cơ sở, điều kiện thực hiện việc di dời các cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ, hộ gia đình nằm xen kẽ trong khu dân cư, nên vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường và khiếu nại kéo dài của người dân.
Thời gian qua, ngành chăn nuôi đã xây dựng các giải pháp, biện pháp để hạn chế ô nhiễm trong chăn nuôi. Trong đó, việc quy hoạch và giám sát quy hoạch cả tổng thể và chi tiết chăn nuôi theo từng huyện, cho từng chủng loại gia súc, gia cầm, với số lượng phù hợp để không quá tải gây ô nhiễm môi trường là biện pháp quan trọng có tầm chiến lược. Kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi là áp dụng các phương pháp lý học, hóa học và sinh học, như: hệ thống khí sinh học biogas, men sinh học, đệm lót sinh học, công nghệ ép tách phân và các công trình “mềm” như trồng cây xanh, hồ sinh học...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành quy định nhằm đảm bảo môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm đối với quy mô trang trại, công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống, giải pháp xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường trong quá trình chăn nuôi trước khi thải ra môi trường. Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt, hóa chất hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp và trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định pháp luật thú y hiện hành.
Nước thải phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng hệ thống riêng; đồng thời phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định hiện hành trước khi thải ra môi trường.
Cũng theo quy định của UBND tỉnh, cơ sở chăn nuôi từ 1.000m2 trở lên phải cách khu dân cư tối thiểu 500m, cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ hơn 1.000m2 phải cách khu dân cư tối thiểu 300 m.
Trong điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay, phát triển chăn nuôi vẫn là sinh kế quan trọng của người nông dân. Vấn đề đặt ra là phát triển chăn nuôi nhưng phải bền vững để hạn chế tối đa mức độ gây ô nhiễm và bảo vệ được môi trường sinh thái. Nhất là khi mật độ dân cư ngày càng dày đặc, nhà sát nhà, nếu không có biện pháp mạnh và vẫn để tồn tại ô nhiễm chăn nuôi trong khu dân cư sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống, cảnh quan xung quanh và dễ phát sinh, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN