ClockThứ Tư, 14/07/2021 14:25

Tuyên truyền người dân không khai thác tận diệt ươi

TTH - Mùa ươi năm nay, trên địa bàn huyện Nam Đông “đột biến” về số lượng cây ra trái. Với giá bán từ 300 – 400 nghìn đồng/kg khô, tình trạng người dân khai thác trái phép quả ươi được huyện đặc biệt quan tâm và chủ động các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa.

Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Đông lập chốt canh gác, tuần tra ngăn chặn người dân khai thác ươi trái phép

Ngay từ giữa tháng 6, một số khu vực tập trung cây ươi đã bắt đầu chín quả, nhiều người dân tập trung vào rừng để thu hái và xuất hiện tình trạng cây ươi bị chặt hạ.

Lâu nay, phương thức khai thác của người dân chủ yếu là chặt hạ cây ươi còn sống để lấy quả. Phương thức này mang tính hủy diệt, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng.

Anh Hồ Văn Giang, người dân xã Thượng Nhật chia sẻ, nghề đi rừng gần như là nghề truyền thống của bà con đồng bào dân tộc Cơ Tu, theo đó, việc khai thác ươi mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình.

Kể từ khi được cán bộ xã tuyên truyền, năm nay, anh Giang quyết định sử dụng đằng (một loại vòng dây làm từ cây mây cột vào thân cây) để trèo lên cây hoặc đợi quả ươi chín, rụng để thu hoạch chứ không đốn hạ như những năm trước.

“Chặt cây khai thác quả sẽ nhanh và đỡ tốn công hơn, nhưng khai thác kiểu tận diệt như vậy không bền vững. Mỗi người nên có ý thức tự giác bảo vệ nguồn lợi từ thiên nhiên”, anh Giang cho hay.

Theo thông tin từ UBND huyện Nam Đông, công tác ngăn chặn chặt hạ cây ươi để hái quả được địa phương đặc biệt quan tâm trong năm nay. Huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường tuần tra, truy quét, phối hợp với lực lượng Công an, UBND các xã để ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm đối tượng khai thác quả ươi trái phép.

Ông Trần Toản, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Đông thông tin, đơn vị cũng đã thành lập 4 điểm chốt tại xã Thượng Quảng và Hương Sơn để tăng cường tuần tra, xử lý và ngăn chặn hành vi khai thác, mua bán quả ươi trái phép.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, việc khai thác ươi nếu được lập hồ sơ thủ tục thu hái theo quy định là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, khai thác theo kiểu tận diệt lâu nay đã trở thành thói quen của người dân, cần cả một quá trình tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức.

Thời gian qua, các cấp ngành và địa phương tập trung tuyên truyền đến từng hộ gia đình thông qua nhiều hình thức khác nhau như: đến tận nhà, thông qua buổi sinh hoạt thôn, hệ thống loa phát thanh… Qua đó, người dân đã từng bước thay đổi nhận thức, có nhiều phương thức khai thác phù hợp và vẫn bảo vệ được rừng.

Hiện UBND các xã cũng tổ chức các buổi họp cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình được giao rừng tự nhiên để quán triệt về công tác quản lý, bảo vệ rừng, đôn đốc các chủ rừng tăng cường công tác tuần tra trong giai đoạn hiện nay nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc chặt hạ cây ươi. Lực lượng gồm công an, dân quân tự vệ, kiểm lâm địa bàn cũng thường xuyên truy quét nhằm bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm.

“Việc ngăn chặn tình trạng chặt hạ cây ươi để thu hoạch quả quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của bà con. Bên cạnh tăng cường chốt chặn, tuần tra và xử lý vi phạm, Nam Đông tiếp tục tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định của pháp luật”, ông Hồ cho biết thêm.

Cây ươi hay còn gọi là cây đười ươi, cây thạch, ươi bay… mọc dày ở các cánh rừng nhiệt đới. Đây là loài thân gỗ lớn, cao bình quân 20-30 mét. Quả ươi được xem là đặc sản có giá trị kinh tế cao, được dùng làm dược liệu và nước giải khát.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một người dân tự nguyện giao nộp vũ khí

Ngày 27/12, một người dân (ông V.) ở xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) đã tự nguyện giao nộp vũ khí cho lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây.

Một người dân tự nguyện giao nộp vũ khí
Người dân Nam Bán cầu cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn châu Âu

Kết quả của một nghiên cứu gần đây cho thấy, so với các quốc gia ở châu Âu, người dân ở Nam Bán cầu hài lòng hơn về mức độ cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều này khiến các nhà nghiên cứu lên tiếng thúc giục lãnh đạo các quốc gia châu Âu hành động để giải quyết sự bất cập này càng sớm càng tốt.

Người dân Nam Bán cầu cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn châu Âu
Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”
Return to top