ClockThứ Hai, 23/12/2024 06:02

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

TTH - Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Đột phá công nghệ mở ra tiềm năng to lớn của năng lượng địa nhiệtĐưa đông y vào sản phẩm du lịchĐưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

Tuần lễ Festival Huế 2024 thu hút một lượng lớn khách du lịch đến Huế góp phần quảng bá và kích cầu du lịch 

12/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết (NQ) 54 của Bộ Chính trị, nên ngay từ đầu năm, TP. Huế chỉ đạo thực hiện quyết liệt các dự án (DA), đề án, chương trình trọng điểm. Trong đó, tập trung các nội dung liên quan đến các đề án, quy hoạch, kế hoạch phục vụ thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, như: Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế; Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh; các báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực dự kiến thành lập quận, phường...

Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, thành phố đã đạt và vượt kế hoạch 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) do HĐND thành phố giao từ đầu năm. Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như: Ước tổng lượt khách đến Huế trong năm 2024 đạt 3 triệu lượt, tăng 52,4% so với năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 58 ngàn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt hơn 14 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu ngân sách đạt 1.071,306 tỷ đồng, bằng 101% so với dự toán HĐND thành phố giao…

Điểm sáng trong các hoạt động của thành phố năm 2024 là tình hình du lịch trên địa bàn có nhiều bước tiến mới nhờ công tác xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch; nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa, nghệ thuật, thể thao và các chương trình trong khuôn khổ Festival Huế 2024 được tổ chức ngày một chất lượng, góp phần thu hút một lượng lớn du khách đến với Huế. Theo đó, doanh thu du lịch năm 2024 đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 37,4% so với năm 2023.

  Chương trình biểu diễn đường phố hấp dẫn tại Tuần lễ Festival Huế 2024 

Khai thác lợi thế 2 quận trung tâm

Năm 2025 là năm đầu thực hiện NQ số 175, ngày 30/11/2024 của Quốc hội về thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, NQ 1314, ngày 30/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP. Huế giai đoạn 2023 - 2025 nên hy vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH, tạo ra thế và lực mới để củng cố vững chắc vị thế của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Để phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển đô thị TP. Huế trực thuộc Trung ương, các quận Thuận Hóa, Phú Xuân dự kiến sẽ là vùng trung tâm, giữ vai trò động lực phát triển, trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, du lịch, thể dục thể thao, y tế…

Theo ông Võ Lê Nhật, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND TP. Huế, mục tiêu trong năm 2025 là xây dựng và phát triển 2 quận trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có, nhất là sự kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa, lịch sử văn hóa; sự phong phú, đa dạng về dịch vụ - du lịch, hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại. Trong đó, duy trì tốt việc bảo đảm an sinh xã hội, tạo đà để thúc đẩy phát triển KT-XH; thúc đẩy hơn nữa việc phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị di sản, văn hóa, khai thác hiệu quả các dư địa tiềm năng; ưu tiên phát triển các ngành kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, trọng tâm là thương mại - dịch vụ…

Cùng với đó là giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản, trong đó bảo tồn là cốt lõi. Tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững, đô thị xanh; đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách hành chính; đồng thời, tiếp tục giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và mở rộng quan hệ đối ngoại.

Các chương trình trọng điểm của 2 quận trong năm 2025, gồm: Chương trình đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; phát triển du lịch, dịch vụ, trọng tâm là phát triển kinh tế tư nhân; cải cách hành chính, trọng tâm là cải thiện môi trường kinh doanh và chuyển đổi số; nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, bản sắc văn hóa Huế gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Các dự án trọng điểm của năm 2025, gồm: Đền bù giải phóng mặt bằng các DA Green City, tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; DA Cải thiện môi trường nước (khu vực phía bắc); các DA tại Khu A - B Khu Đô thị mới An Vân Dương; các DA quy hoạch phân khu; các DA đầu tư hạ tầng kỹ thuật tạo nguồn quỹ đất…


Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Return to top