Những bình luận quảng cáo… vô duyên
Mỗi lần đăng tải lên facebook cá nhân hay đang theo dõi những nội dung quan trọng, nghiêm túc thì lại có những bình luận không liên quan, vô duyên, thậm chí là tục tĩu, đồi trụy.
Anh T. M bức xúc khi bản thân thường xuyên đăng tải các bài viết nghiên cứu văn hóa, xã hội của bản thân và đồng nghiệp lên một số nhóm mạng xã hội với mục đích chia sẻ thông tin cho những ai quan tâm tìm hiểu, trao đổi thông tin, bên cạnh những phần bình luận về chuyên môn thì còn có những bình luận của những người bán hàng online vào “thả” nội dung quảng cáo sản phẩm như mỹ phẩm, áo quần,… làm ảnh hưởng đến việc trao đổi thông tin của các thành viên trong nhóm. “Điều đáng nói là hầu như những người bán hàng này “càn quét” tất cả các hội, nhóm trên mạng xã hội, đến mức cứ thấy bài viết của người khác là nhào vào “dán” nội dung quảng cáo”, anh T. M chia sẻ.
Một số người là nạn nhân của chiêu trò quảng cáo trên cho biết, đồng ý buôn bán, kinh doanh thì phải đi quảng cáo sản phẩm nhưng phải văn minh chứ không thể “bạ đâu quảng cáo đó”, hành vi này không khác gì những đối tượng dán quảng cáo rao vặt khắp nơi từ cột điện, tường nhà...
Không chỉ những người bán hàng online mà các đối tượng xấu thông qua các nick ảo còn công khai tán phát các link trang website “đen”, các video clip đồi trụy trên bài viết người khác. Lợi dụng tâm lý tò mò, hiếu kỳ để đưa người xem đến các trang khiêu dâm hoặc cờ bạc trên internet, thậm chí là cách thức để lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân của nạn nhân.
Bên cạnh đó là tình trạng bị “gắn thẻ” vào những bài viết của người khác, nhất là những tài khoản buôn bán hàng online, dự đoán kết quả xổ số kiến thiết, cờ bạc như chơi lô đề hoặc bói toán, hầu đồng, ban phát tài lộc,… trên facebook làm ảnh hưởng đến uy tín của người khác.
Chị Lương Trà M. ở phường Xuân Phú (TP. Huế) đã gặp chuyện rắc rối khi bị nhiều người cho rằng tham gia cờ bạc khi thường xuyên, liên tục được gắn tên cùng với các tài khoản công khai chơi lô đề.
Để đối phó với những hành vi này, có người nhẫn nại xóa gỡ từng bình luận trên bài viết của mình hoặc “gỡ thẻ” tài khoản mình ra khỏi các bài viết, nhưng do số lượng những thứ “rác quảng cáo” này quá nhiều nên đành khóa tính năng bình luận của bài viết.
Cần đưa bộ “Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” vào đời sống
Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 874/QĐBTTTT ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” nhằm điều chỉnh các hành vi ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên môi trường mạng. Bộ Quy tắc còn hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” chỉ mang tính chất là một “thể chế mềm”, để giáo dục, định hướng cho người dùng thực hiện các hành vi văn minh trên mạng xã hội chứ không có chế tài xử lý như một văn bản quy phạm pháp luật.
Do đó, để hạn chế và đẩy lùi tình trạng tham gia bình luận trên mạng xã hội vô văn hóa, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của công dân khác, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hơn nữa các quy định của “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa vào giảng dạy trong học sinh, sinh viên là tầng lớp chiếm đại đa số người dùng mạng xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi trên, cơ quan chức năng có thể xử lý theo các quy định của pháp luật từ xử phạt hành chính đến khởi tố hình sự như tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 3/2/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, theo Luật An ninh mạng, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự…
Quan trọng hơn, mỗi người dân cần xây dựng cho mình ý thức ứng xử văn hóa khi tham gia mạng xã hội, không phải vì lợi ích mà bất chấp những hành vi vô văn hóa, gây ảnh hưởng đến người khác.
HOÀI AN