ClockThứ Ba, 13/04/2021 09:10

Văn hóa giao hàng

Tôi ít khi đặt hàng qua mạng, một phần bởi từng nhận “quả đắng” từ việc “treo đầu dê bán thịt chó” của một vài cơ sở, cá nhân buôn bán thiếu uy tín, quảng cáo một đàng, bán một nẻo, phần cũng muốn mua cái gì phải mắt thấy, tai nghe và phải được “sờ vào hiện vật”… Riêng áo quần thì phải thử vừa ý mới mua chứ không liều đặt qua mạng, bởi trên mạng người mẫu mặc đẹp nhưng mình chắc gì đã vừa, đã đẹp. Thế nên, tôi tuyệt đối không đặt hàng.

Các mặt hàng khác thì cũng tùy khi. Khi cao hứng lướt facebook cũng tiện tay đặt món nọ món kia, nhưng tần suất đặt hàng của tôi so với nhóm bạn không thấm vào đâu. Đôi ba tháng chỉ đặt một lần và thường thì tôi chỉ đặt hàng ăn uống, vật dụng cho gia đình. Các shop tôi chọn cũng chỉ loanh quanh địa bàn TP. Huế.

Hôm rồi, lướt facebook, cũng tiện tay đặt mua mấy gói khăn ướt, khăn giấy, dăm ba gói bánh, kẹo mà bọn trẻ con thích của một cửa trên đường Tôn Quang Phiệt. Cách nhà cũng không xa nhưng nghĩ trưa nắng chạy đi lấy hàng lại… lười nên nhờ ship (giao hàng). Chủ “ok” kèm phí 10k (10.000 đồng), tôi nhất trí ngay và cẩn thận hẹn trước chỉ ship trước 11 giờ trưa hoặc sau 5 giờ chiều. Thế nhưng, mới hơn 1 giờ trưa, điện thoại đổ chuông, thấy số máy lạ, tôi không bắt máy. Định bụng tầm 2 giờ sẽ gọi lại. Chưa kịp nghỉ ngơi, điện thoại lại tiếp tục đổ chuông và cứ như thế lặp lại nhiều lần. Thấy tôi không trả lời, shipper (người giao hàng) gọi cửa liên tục. Đang mệt mỏi vì mất giấc ngủ trưa, tôi định bụng quát shipper một trận nhưng cũng cố kiềm chế, nghĩ họ cũng vì miếng cơm manh áo nên nhận hàng nhưng cũng không quên dặn lần sau cố gắng giao đúng giờ như yêu cầu. Anh shipper nọ dạ dạ vâng vâng rồi rồ ga phóng đi.

Hai tuần sau, tôi cũng đặt hàng, lần này là trái cây. Cũng dặn dò cẩn thận như trước. Thế nhưng, 1 giờ 10 phút buổi trưa điện thoại lại đổ chuông, vẫn là số của shipper nọ. Bực quá tôi tắt máy và không quên nhắn chủ shop lần sau phải đổi shipper, nếu không tôi sẽ không mua hàng.

Theo tìm hiểu thì những shipper này thường làm theo ca. Cũng có người làm nguyên ngày, nhưng đa phần họ thay ca nhau và ca sáng thường bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều, ca chiều từ 2 giờ chiều đến 8 giờ tối hoặc 10 giờ tối tùy yêu cầu của chủ và phí ship. Shipper nào cũng muốn giao hết hàng của mình để tăng thêm thu nhập. Tuy vậy, cũng không vì thế mà làm khó khách hàng. Chỉ cần khéo léo một chút, giao đúng giờ cho khách theo yêu cầu không chỉ được phí mà đôi khi còn được khách thưởng thêm. Điều đó cũng thể hiện được tính chuyên nghiệp và văn hóa giao hàng mà mỗi shipper cần có.

Linh Đan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử

Là chốn Kinh đô của Triều Nguyễn, Huế mang trong mình rất nhiều di chỉ văn hóa - lịch sử quý, mà chính quyền và Nhân dân Huế không thể không quan tâm giữ gìn, bảo vệ và khai thác mọi lợi thế trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Huế thành trung tâm văn hóa nổi tiếng của cả nước.

Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử
Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

TIN MỚI

Return to top