ClockThứ Ba, 11/10/2022 14:15

Bắt chim giả, cứu chim thật

TTH - Hàng ngàn bẫy chim giả được lực lượng kiểm lâm, công an tháo dỡ, tiêu hủy; hàng trăm con chim, cò được giải cứu, thả về môi trường tự nhiên trong thời gian gần đây.

Cứu chim trờiTiêu huỷ 200 con cò giả và nhiều dụng cụ bẫy chim trời

Tháo dỡ, tiêu hủy cò giả, bẫy chim

Ông Nguyễn Sáng ở thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) chia sẻ, cứ sau vụ thu hoạch lúa hè thu và những ngày bắt đầu mùa mưa bão thì trên những cánh đồng, ven rừng xuất hiện nhiều dụng cụ bẫy chim trời. Những tay săn bắt thường giăng bẫy từ buổi tối, hoặc đêm khuya nên khó phát hiện. Hoặc khi phát hiện thì họ giả dạng người đi bủa cá, soi ếch, đánh lừa người dân, lực lượng chức năng.

Những người săn bắt chim trời phần nhiều từ nơi khác đến, cũng có một số ít người tại địa phương, hoạt động khá tinh vi nên khó phát hiện và bắt giữ. Hoặc khi người dân phát hiện, báo với cơ quan chức năng đến thì họ đã nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường. Số người bị bắt tận tay, xử phạt thường rất ít, chưa đủ sức răn đe.

Ông Trần Quốc Hùng - Giám đốc Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Bắc Hải Vân thông tin, tính riêng trong ngày 30/9 mới đây, đơn vị phối hợp với thị trấn Lăng Cô ra quân kiểm tra, giám sát hoạt động săn bẫy chim trời trên địa bàn thị trấn và một số vùng lân cận trên địa bàn huyện. Chuyến kiểm tra này bất ngờ phát hiện và tiêu hủy khoảng 8.000 que bẫy, 1.200 cò mồi bằng phao, giải cứu nhiều chim, cò tránh dính bẫy.

Từ những ngày đầu tháng 9, lực lượng kiểm lâm huyện Quảng Điền và Phú Lộc phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức truy quét, ra quân tháo gỡ, tiêu hủy hàng loạt bẫy, lưới, dụng cụ săn bắt chim trời di trú. Tại huyện Quảng Điền, lực lượng kiểm lâm, công an thu giữ 450m2 lưới, 20 cọc chống lưới bẫy và thả vào môi trường tự nhiên ba con chim mỏ giác, một con bìm bịp. Tại địa bàn huyện Phú Lộc, kiểm lâm tháo gỡ và tiêu hủy 8.200 cò xốp và 8.000 que nhựa bẫy chim.

Ông Nguyễn Ngọc Đáp ở rú Chá, xã Hương Phong (TP. Huế) cho hay, tại rú Chá chỉ có hai vợ chồng ông rất khó kiểm soát nạn săn bắt chim trời tại khu rừng ngập mặn và trên những cánh đồng xung quanh rú Chá. Nạn săn bắt chim ở rú Chá quy mô không lớn, thường chỉ bắn bằng ná, nhỏ lẻ nhưng cũng mang lại nhiều nỗi lo đối với người canh giữ chim trời tại rú Chá như vợ chồng ông Đáp.

Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm, công an địa phương cũng đã phát hiện, tháo gỡ nhiều bẫy, cò giả, lưới săn bắt chim trời tại rú Chá và khu vực quanh rú. Tuy nhiên theo ông Đáp, lực lượng chức năng cần kiểm tra, giám sát thường xuyên hơn, cần thiết có thể mật phục để bắt tận tay và xử lý nghiêm những người chuyên săn bắt chim trời tại rú Chá, trên đồng ruộng tại địa phương và các vùng lân cận.

Ông Trương Cảm - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ Bạch Mã - Vườn Quốc gia Bạch Mã chia sẻ, những khu rừng nguyên sinh tại vườn rất lý tưởng cho nhiều loài chim trời trú ngụ, sinh sôi. Qua khảo sát, thống kê tại đây có khoảng 360 loài chim, trong đó có 16-17 loài đặc hữu, quý hiếm. Nạn săn bắt chim diễn ra quanh năm, nhưng tập trung nhiều nhất vào mùa mưa bão. Đây là thời điểm được lực lượng kiểm lâm của đơn vị chú tâm, thường xuyên tuần tra, giám sát nhiều hơn để bảo vệ, bảo tồn các loài chim, đặc biệt loài quý, hiếm.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn thông tin, hàng năm, khi mùa mưa bão đến, những đàn chim di trú từ nơi khác tìm đến đồng ruộng, khu rừng, rú, ven đê, lùm cây trên địa bàn tỉnh tìm kiếm thức ăn và trú ngụ. Lúc này vấn nạn săn bắt chim trời rộ lên. Trên cánh đồng lúa, các đối tượng săn bắt giăng lưới, rải cò giả được làm bằng xốp nhằm thu hút chim đến để bẫy. Các địa phương và ngành kiểm lâm có nhiều biện pháp xử lý, nghiêm cấm mọi hình thức đánh bắt chim trời nhằm bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái trong tự nhiên.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn lén lút, bất chấp mọi thủ đoạn để săn bắt chim trời. Những ngày cuối tháng 9 vừa qua, trên nhiều cánh đồng giăng đầy bẫy lưới, que dính và nhiều chim cò giả bằng xốp trắng xóa. Hình thức săn bắt này mang tính tận diệt, hủy diệt các loài chim khi mỗi lần dính bẫy có thể đến hàng chục, hàng trăm con.

Ngành kiểm lâm đang phối hợp với các địa phương, ban ngành tiếp tục tổ chức kiểm tra, truy quét tại nhiều địa bàn nhằm tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép, kết hợp triệt phá các tụ điểm mua bán, tiêu thụ chim tự nhiên. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã.

Năm 2020, UBND tỉnh có hướng dẫn xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, bao gồm các loài chim trời. Trong đó, mức xử phạt cao nhất là hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật, với mức phạt từ 5 triệu đến 400 triệu đồng tùy thuộc vào mức độ, hành vi vi phạm…

Bài, ảnh: Hoàng Thế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thả cá thể vích biển 70kg về môi trường tự nhiên

Chiều 10/8, ông Phan Viết Phúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc cho biết, lực lượng chức năng phối hợp với người dân vừa thả một cá thể vích biển khoảng 70kg về môi trường tự nhiên.

Thả cá thể vích biển 70kg về môi trường tự nhiên
Bảo vệ rừng mùa mưa lũ

Mùa mưa lũ thường là cơ hội thuận lợi cho lâm tặc vào rừng khai thác lâm sản trái phép, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng (BVR).

Bảo vệ rừng mùa mưa lũ
Liên tục truy quét bảo vệ chim trời

Gần đây, nhiều đối tượng tổ chức giăng bẫy săn bắt, tận diệt các loại chim trời, đặc biệt là cò ở các địa phương của huyện Phú Lộc. Dù lực lượng chức năng liên tục tổ chức tuần tra, truy quét và xử lý nhưng vấn đề ngăn chặn tình trạng bẫy bắt chim trời mùa di cư vẫn còn nhiều nỗi lo.

Liên tục truy quét bảo vệ chim trời
Return to top