ClockThứ Ba, 23/02/2016 09:36

Cần giải quyết rốt ráo việc xây dựng trái phép ở phường An Cựu

TTH - “Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng trú tại phường An Cựu, TP Huế xây dựng nhà không có giấy phép trên đất đang tranh chấp, bị UBND phường ban hành Quyết định (ngày 7/4/2015) cưỡng chế phá dỡ. Mặc dù ban hành Quyết định (QĐ) song UBND phường An Cựu lại “ngó lơ”, để gia đình ông Dũng xây dựng hoàn thiện nhà kiên cố”. Đó là nội dung phản ánh của bà Nguyễn Thị An trú tại phường Kim Long, TP Huế.
Ông Dũng xây dựng nhà kiên cố trên nền nhà lều cũ và chỉ mới tháo dỡ  một nửa mái tôn.

Chưa chặt chẽ trong quản lý

Theo trình bày của bà Nguyễn Thị An, bà Trần Thị Lợi (mẹ của ông Dũng) và thông tin từ UBND phường An Cựu: Bà Lợi và vợ chồng ông Dũng hiện đang sử dụng, quản lý thửa đất tọa lạc tại 97 Ngự Bình, phường An Cựu (TP Huế). Nguồn gốc thửa đất này do ông, bà nội của ông Dũng là Nguyễn Đức Lành- Trần Thị Con tạo lập. Ông Lành bà Con (đã mất, không để lại di chúc) có 10 người con (trong đó có bố của ông Dũng và bà An). 7 người đã mất, trong đó 4 người không có con cái. Theo bà An, giữa bà và ông Dũng đang tranh chấp đối với thửa đất. Việc tranh chấp chưa được giải quyết thì ông Dũng có hành vi xây dựng nhà ở trái phép trên thửa đất. (Trên đất có 2 nhà gồm nhà lớn và nhà lều. Trong lúc sửa chữa nhà lều ông Dũng đã thay đổi kết cấu hiện trạng, xây dựng kiên cố). UBND phường An Cựu đã ban hành các văn bản để xử lý, cụ thể: Ngày 12/3/2015 lập biên bản ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Ngày 13/3/2015 ban hành QĐ về việc đình chỉ thi công. Ngày 7/4/2015, ban hành QĐ số 09 về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị đối với công trình xây dựng của ông Dũng. Tuy nhiên, thời gian kéo dài nhưng UBND phường An Cựu vẫn không tổ chức thi hành QĐ cưỡng chế. Do đó, ngày 7/5/2015 bà An làm đơn kiến nghị gửi UBND TP Huế, UBND phường An Cựu, đề nghị có biện pháp can thiệp, tiến hành cưỡng chế phá dỡ đối với nhà mà ông Dũng xây dựng trái phép. Sau đó, ngày 5/6/2015, UBND phường An Cựu đã tổ chức hòa giải theo ý kiến chỉ đạo của UBND TP Huế (tại công văn số 1141 ngày 13/5/2015). Tại buổi hòa giải này, hai bên đã thỏa thuận cử người đại diện đứng tên lập thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), ký các văn bản xác nhận hàng thừa kế. Nhưng hơn một tháng rưỡi sau buổi hòa giải, gia đình ông Dũng không thực hiện đúng thỏa thuận. Do đó, bà An đã nhiều lần làm đơn kiến nghị, khiếu nại các cơ quan có thẩm quyền, tiến hành cưỡng chế phá dỡ nhà ở xây dựng trái phép của ông Dũng trên thửa đất bố mẹ bà An để lại.

Ngày 4/8/2015, UBND TP Huế ban hành Công văn số 1953 gửi Chủ tịch UBND phường An Cựu, yêu cầu “kiểm tra nội dung đơn của bà (An) để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, tổ chức thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của UBND TP Huế về việc xây dựng trái phép của ông Dũng và yêu cầu Chủ tịch UBND phường An Cựu khẩn trương triển khai thực hiện, có văn bản báo cáo trước ngày 15/8/2015”. Tuy nhiên, cho đến nay sau nhiều lần bà An làm đơn khiếu nại, UBND phường An Cựu vẫn không “động tĩnh”.

Cần sớm giải quyết dứt điểm

Ông Đoàn Bình Lương, Phó Chủ tịch UBND phường An Cựu cho rằng tại Công văn số 1141 ngày 13/5/2015 của UBND TP Huế có nội dung: yêu cầu UBND phường hòa giải đối với các thành viên trong gia đình đang tranh chấp về quyền thừa kế. Nếu hòa giải thành, cho phép gia đình được hoàn thiện công trình để ổn định cuộc sống. Nếu các thành viên tranh chấp về quyền thừa kế không đồng ý, yêu cầu các đồng thừa kế thỏa thuận người đại diện tiến hành lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện các quyền có liên quan. Do đó, ngày 5/6/2015, UBND phường đã tiến hành hòa giải. Các đồng thừa kế của ông Lành bà Con đã thống nhất cử bà Nguyễn Thị Mau (chị bà An) là người đứng ra lập thủ tục đại diện thừa kế thửa đất tại 97 Ngự Bình. Đồng thời, đồng ý để ngôi nhà của ông Dũng được tồn tại cho đến khi phân chia di sản thừa kế. Sau buổi hòa giải, bà Mau lập hồ sơ đại diện thừa kế và đề nghị các đồng thừa kế viết giấy đồng thuận cử người đại diện đứng tên tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà gắn liền với đất thì chỉ có ông Dũng viết giấy đồng thuận. Những người anh chị em khác của ông Dũng không thống nhất ký đơn cử đại diện. UBND phường tiếp tục nhiều lần mời hai bên đến hòa giải, nhưng không thành.

Trước tình hình đó, ngày 27/11/2015, UBND phường An Cựu ban hành thông báo số 41, yêu cầu ông Dũng phải tự tháo dỡ nhà xây dựng, sửa chữa trái phép trên đất đang tranh chấp. Ông Dũng có đơn xin cứu xét cho rằng, do nhà ở của cha mẹ ông xây dựng đã xuống cấp, phải cải tạo, sửa chữa. Nếu UBND phường cưỡng chế thì gia đình ông sẽ không có chỗ ở. Đồng thời, ông Dũng hứa sẽ vận động những người trong gia đình ký giấy đồng thuận cử người đại diện đứng tên cấp giấy chứng nhận đồng thừa kế đối với thửa đất tại 97 Ngự Bình, phường An Cựu trong thời gian từ ngày 1/2/2015 đến ngày 10/12/2015. Vậy nhưng, đã qua thời hạn nói trên, đến nay ông Dũng vẫn không thực hiện. Ngày 17/2/2016, theo quan sát của chúng tôi, cạnh ngôi nhà lớn 3 gian (là nơi mà gia đình ông Dũng vẫn ở từ trước đến nay chứ không phải không có chỗ ở như ông Dũng “kêu”), trên nền móng nhà lều cũ, gia đình ông Dũng đã xây dựng hoàn thiện nhà kiên cố, nền lát gạch hoa, tường xi măng, công trình phụ, phòng ngủ, bếp. Ông Dũng “chấp hành” thông báo tự tháo dỡ của UBND phường bằng cách dỡ một phần mái tôn (để lại một phần) và che bạt lên phần tôn đã dỡ xuống. Ông Đoàn Bình Lương cũng cho rằng việc tháo dỡ đó chỉ mang tính đối phó. Sắp tới, UBND phường sẽ yêu cầu ông Dũng tự tháo dỡ. Nếu ông Dũng không thực hiện, UBND phường sẽ tiến hành cưỡng chế.

Từ diễn biến vụ việc, có thể thấy rằng, để gia đình ông Dũng xây dựng trái phép ngôi nhà kiên cố như nêu trên chứng tỏ cán bộ UBND phường chưa chặt chẽ trong việc quản lý. Mặt khác, từ khi ban hành QĐ cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị ngày 7/4/2015, đến nay đã gần 10 tháng, bà An đã nhiều lần có đơn kiến nghị, khiếu nại đến UBND 3 cấp, nhưng sự việc vẫn “giẫm chân tại chỗ”. UBND phường An Cựu rất cần giải quyết dứt điểm vụ việc theo quy định của pháp luật, tránh kéo dài gây ảnh hưởng không tốt tình hình ANTT tại địa phương.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri

Tại các kỳ tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII, cử tri trên địa bàn TP. Huế đã có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề liên quan đến hạ tầng dân sinh. Điều đáng mừng, TP. Huế đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương trả lời thấu đáo cũng như triển khai khắc phục.

Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Return to top