ClockThứ Năm, 25/10/2018 12:45
XÂY MỚI VÀ BẢO QUẢN NHÀ VỆ SINH TRƯỜNG HỌC:

Cần sự chung tay, đồng thuận của phụ huynh

TTH - Nhà vệ sinh (NVS) không vệ sinh khiến các em nín thở khi có nhu cầu là câu chuyện muôn thuở. Để có một NVS đạt chuẩn đã khó, song sát sườn hơn là cần có một phương án quản lý phù hợp, tránh tình trạng NVS mất vệ sinh khi thiếu sự giám sát.

Nhà vệ sinh trường học: Quan trọng là khâu bảo quảnNhà vệ sinh trường học: Lo không đạt chuẩn

Các bé Trường mầm non Trường An rửa tay trước khi ăn

Vẫn còn 560 nhà vệ sinh bán kiên cố

Học sinh bịt mũi, nhắm mắt chen lấn nhau tới lượt đi vệ sinh trong NVS bốc mùi nồng nặc; bệ cầu ố vàng, nền gạch đầy nước, tường bám đầy rong rêu… là thực trạng chung của nhiều NVS trong trường học hiện nay. Số lượng học sinh ngày càng gia tăng trong khi nhiều NVS trường học chưa được đầu tư xây mới dẫn đến quá tải. Nhiều trường học 2 buổi/ngày càng khiến tình trạng xuống cấp của các khu vệ sinh vốn cũ kỹ trở nên tồi tệ hơn.

Phụ huynh không yên tâm khi thời gian con ở trường khá nhiều khi học bán trú, nhưng nhiều em nhất quyết không chịu uống nước vì sợ... NVS bẩn. Hầu hết, học sinh khi được hỏi về NVS đều cho biết, phải rất “bí” các em mới dám đi vệ sinh ở trường. Trao đổi với chúng tôi, nhiều phụ huynh sốt ruột, lo ngại về sức khỏe của con em mình trước thực trạng hệ thống NVS trong các trường học. Bởi lẽ, mỗi khi các em khó chịu về thể chất, chắc hẳn bị phân tâm, thiếu tập trung trong học tập.

Chị Nguyễn Thị Lý, có con đang học lớp 8 ở TP. Huế, cho rằng: “NVS trong trường học không sạch sẽ, thiếu riêng tư, không đóng kín được cửa… do đó đã tạo tâm lý e ngại cho học sinh, nhất là các em nữ. Chúng tôi nhiều lần có ý kiến với nhà trường, hãy để phụ huynh đóng góp xây dựng NVS cho các cháu, tuy nhiên, vẫn không thể thực hiện khi mỗi người mỗi ý. Chúng tôi cần một “nhạc trưởng” không chỉ vận động xây NVS đạt chuẩn mà cần có phương án quản lý sử dụng công trình một cách bài bản”. Đó cũng là ý kiến được nhiều người bày tỏ trong cuộc họp phụ huynh đầu năm ở các trường trên địa bàn TP. Huế.

Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có trên 2.300 NVS trong các trường học, trong đó, vẫn còn trên 560 NVS bán kiên cố; 34 NVS tạm và 6 NVS không sử dụng được nên các em phải đi nhờ ở bên ngoài. Giai đoạn 2017-2020, chủ trương toàn ngành đầu tư xây trên 120 NVS. Ngoài ra, các địa phương tiếp tục tranh thủ các nguồn tài trợ và từ nguồn đóng góp của phụ huynh để xây dựng. Vấn đề đặt ra là, không chỉ thiếu NVS mà nhiều NVS mới đưa vào sử dụng vài năm nay đã rơi vào cảnh nhếch nhác. Nhiều trường giao cho nhân viên trong trường và học sinh tự quản theo kiểu “được chăng hay chớ” nên hiệu quả không cao.

Phụ huynh chung tay

Theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, ngoài thu học phí, không được thu thêm nguồn thu nào khác nên các trường rất ngại kêu gọi phụ huynh đóng góp. Thực tế, công tác xã hội hóa sẽ nhận được sự ủng hộ khi xuất phát từ lợi ích thiết thực của học sinh. Thầy giáo Ngô Đức Thức, Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng (TP. Huế) cho biết: “Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ kinh phí cho trường xây dựng một dãy NVS đạt chuẩn, dãy còn lại do Ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường đứng ra vận động với giá trị khoảng 300 triệu đồng. Các khâu vận động, xây dựng và bảo quản đều do phụ huynh trong trường thực hiện. Hàng tháng, Ban đại diện cha mẹ học sinh trả lương cho nhân viên vệ sinh ở các công ty đến dọn dẹp. Nhờ vậy, NVS ở hai dãy luôn đảm bảo các tiêu chí NVS đạt chuẩn”.

Kinh phí ở các trường eo hẹp, song không có nghĩa là không có cách. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân, các trường vẫn có thể khắc phục bằng cách dành một khoản kinh phí hằng năm để duy tu, bảo dưỡng. Nhiều trường đã chọn phương thức thuê đội ngũ nhân viên dọn dẹp vệ sinh chuyên nghiệp. Trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP. Huế) đã hợp đồng lao công ngoài định biên theo nguyên tắc tự nguyện từ phụ huynh. Nhiều trường khác tranh thủ các nguồn hỗ trợ để thuê nhân viên ở công ty hoặc lao động thời vụ làm theo giờ. Thầy giáo Nguyễn Mạnh Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP. Huế),  cho hay: “Trường tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đội ngũ làm vệ sinh, nếu họ làm không tốt, nhà trường yêu cầu thực hiện theo hợp đồng, không khoán trắng cho các công ty”.

Sự thay đổi tích cực trong việc quản lý NVS cho học sinh phần lớn đến từ sự quan tâm của ban giám hiệu nhà trường. Hiệu trưởng nào xem NVS cho học sinh không phải là chuyện nhỏ, thường xuyên kiểm tra nên NVS sử dụng, thì học sinh không e ngại khi có nhu cầu. Ngược lại, trường nào thiếu sự quan tâm, thậm chí ban giám hiệu không có sự kiểm tra, đôn đốc dọn rửa thì NVS rơi vào tình trạng hôi hám trầm trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, các trường nên đưa nội dung về quản lý NVS vào báo cáo tổng kết cuối năm học, xem đây như một tiêu chí để đánh giá, bình xét thi đua, nhằm tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo.

Những NVS không đạt chuẩn các trường nên mạnh dạn tính phương án xã hội hóa. Tuy nhiên, bảo quản, giữ gìn NVS trường học luôn sạch sẽ, không có mùi hôi cũng là chuyện đáng bàn. Ngoài sự sâu sát của lãnh đạo nhà trường, cần nâng cao ý thức của học sinh đối với việc giữ gìn vệ sinh chung. Nhà trường cũng cần có lộ trình cụ thể về việc năm nào là xây mới, năm nào là bảo trì để minh bạch hóa các mức đóng góp; tránh tình trạng năm nào cũng ghi hạng mục đóng góp xây nhà vệ sinh một cách chung chung, không rõ ràng.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiến tạo trường học hạnh phúc - Bài 1: Áp lực từ trường học

Tại Thừa Thiên Huế, nhiều trường học đang hướng đến xây dựng một môi trường giáo dục lý tưởng khi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc, là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp.

Kiến tạo trường học hạnh phúc - Bài 1 Áp lực từ trường học
Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui
Return to top