Nếu theo thống kê sơ bộ NVS trường học được xây dựng ở các cấp học trên toàn tỉnh thì cơ bản đều đã đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, băn khoăn nhất và cũng là khó khăn chung ở hầu hết các trường học từ thành thị đến nông thôn, miền núi là công tác bảo quản, vệ sinh hằng ngày.
Nhà vệ sinh đạt chuẩn tại Trường mầm non Vĩnh Ninh (TP. Huế)
Trường học mầm non được quan tâm đầu tư xây dựng nhiều nhất trong những năm qua, với 1.134 NVS khép kín và 307 NVS liền kề phòng học. Tuy nhiên, trong số 1.849 phòng học nhà trẻ/mẫu giáo của 371 điểm trường toàn tỉnh, vẫn cần đầu tư xây mới thêm 340 NVS. Hiện, có 105 NVS đã có chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2017-2020. Tương tự, bậc tiểu học hiện có 434 NVS dành cho học sinh trong tổng số 316 điểm trường. Nhu cầu đầu tư xây mới thêm 61 nhà, nhưng chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2017-2020 chỉ được 1 nhà. Bậc trung học cơ sở hiện có 278 NVS dành cho học sinh ở 137 điểm trường. Nhu cầu đầu tư xây mới thêm 46 nhà, nhưng mới có chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2017-2020 được 14 nhà. Bậc trung học phổ thông có 146 NVS dành cho học sinh ở 37 điểm trường. Nhu cầu đầu tư xây mới thêm 19 nhà, nhưng mới có chủ trương đầu tư giai đoạn 2017-2020 được 4 nhà.
Điều này cho thấy nhu cầu kể cả xây mới và duy tu, sửa chữa NVS trường học ở các bậc học luôn cần thiết.
Ông Trần Duy Hân, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính- Sở Giáo dục & Đào tạo cho rằng, thực ra NVS trường học đã được tỉnh quan tâm đầu tư cách đây nhiều năm, thông qua các nguồn: chương trình mục tiêu; xây dựng cơ bản tập trung; nguồn đối ứng từ huyện, xã hoặc nhà trường tự có; phụ huynh tự xây dựng và bàn giao theo hình thức “chìa khóa trao tay”... Ngoài một số điểm trường có NVS xuống cấp, còn lại phần lớn đều cơ bản bố trí đủ phục vụ cho học sinh. Tuy nhiên, đánh giá chất lượng vệ sinh thực sự thì vẫn chưa đảm bảo do khâu quản lý.
Nếu căn cứ theo Thông tư 55 (ngoài thu học phí không được thu thêm nguồn thu nào khác), các trường học chỉ còn cách “tự thân vận động” bằng tự cân đối ngân sách để thuê lao công hoặc tổ chức học sinh trực nhật. Như Trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP. Huế), mỗi tầng học đều có NVS, nên muốn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, nhà trường buộc phải hợp đồng lao công ngoài định biên. Cách “chữa cháy” của nhà trường là vận dụng Thông tư 29 về đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện từ phụ huynh. Tất nhiên, cách làm này không phải trường học nào cũng thực hiện được do phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, thói quen sinh hoạt.
Tuy khó khăn, nhưng theo ông Trần Duy Hân, các trường vẫn có thể khắc phục bằng cách dành một khoản kinh phí hằng năm để theo dõi hư hỏng và duy tu, bảo dưỡng. Về góc độ quản lý, dịp tổng kết năm học, phòng giáo dục và đào tạo nên đưa nội dung về quản lý NVS vào báo cáo tổng kết cuối năm của nhà trường và xem đây như tiêu chí để đánh giá, bình xét thi đua, nhằm tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo.
Tưởng chuyện nhỏ, tế nhị, nhưng với điều kiện NVS ở nhiều trường học không đảm bảo đang gây ảnh hưởng đến học tập, sức khỏe của các em, nhất là với độ tuổi hồn nhiên, vụng về trong vệ sinh cá nhân. Đây cũng là điều khiến nhiều phụ huynh rất lo lắng về nguy cơ nhiễm bệnh do sử dụng NVS mất vệ sinh và di chứng về đường ruột do các em thường xuyên “nín”, không giải quyết nhu cầu đúng lúc.
Để giải quyết mối bận tâm của phụ huynh và học sinh, nhà trường cần đổi mới, đầu tư hệ thống bồn bệ toalet, nước sạch đảm bảo và phù hợp với cuộc sống hiện đại. Riêng việc thuê dịch vụ làm vệ sinh hằng ngày tại NVS, đây là nhu cầu chính đáng để phục vụ sức khỏe con em mình, nên chắc chắn phụ huynh đều đồng tình đóng góp một khoản hợp lý, tương tự như đã tự nguyện đóng góp để trang bị máy điều hoà, chi trả tiền điện, thuê bảo vệ trật tự...
Bài, ảnh: Hoài Nguyên