|
Công an làm việc với một đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng |
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục gửi thông tin cảnh báo đến người dân trong toàn tỉnh về những hình thức lừa đảo qua mạng của các đối tượng. Mục đích của việc làm này là giúp người dân hiểu và nâng cao tinh thần cảnh giác, không để các đối tượng lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Nhiều phương thức, hình thức lừa đảo của các đối tượng được lực lượng chức năng chỉ rõ, đó là, lừa đảo quét mã QR trên bưu phẩm có thẻ cào trúng thưởng. Thông qua shipper (người vận chuyển hàng hóa), các đối tượng gửi bưu phẩm bên trong có thông báo trúng thưởng chứa mã QR.
Người dân sau khi nhận được bưu phẩm từ shipper, khi mở ra bên trong có phiếu cào trúng thưởng. Để được nhận thưởng, người dân phải truy cập đường link trên mã QR và cung cấp thông tin cá nhân để làm thủ tục nhận thưởng. Từ đó, các đối tượng đánh cắp thông tin người dùng, chiếm đoạt tài sản.
Một chiêu thức khác là, góp vốn đầu tư tài chính để làm ăn. Dù không quen biết và chỉ quen qua mạng, nhưng khi nghe những lời dụ dỗ góp vốn đầu tư tài chính để làm ăn của các đối tượng, các nạn nhân vẫn sẵn sàng chi ra hàng tỷ đồng. Đến khi biết mình bị lừa, các nạn nhân mới đến lực lượng công an để trình báo sự việc.
Lừa đảo mua bán đất, nhà ở. Để thực hiện hành vi của mình, các đối tượng lấy danh nghĩa một công ty mua bán bất động sản nổi tiếng, rồi đưa ra thông tin gian dối, bán nhiều lô đất hoặc nhà ở không thuộc quyền sử dụng của công ty nhằm chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhiều người mua đất.
Thời gian qua, có không ít người đã bị sập bẫy lừa đảo của các đối tượng bằng chiêu thức mạo danh các tập đoàn, công ty lớn hứa hẹn đầu tư với lãi suất cao, kêu gọi người dân góp vốn; quảng cáo vay vốn qua app với thủ tục đơn giản, lãi suất thấp; tuyển cộng tác viên làm việc online bằng cách mua hàng tăng doanh số trên Lazada, Shopee…
Mới đây, một thanh niên có hành vi lập facebook cho vay online rồi lừa đảo, chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng đã bị lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh bắt giữ. Đó là, Lê Ngọc Quý (SN 2006) trú tại phường Thuận Lộc, (TP. Huế). Từ tháng 1/2023 đến thời điểm bị bắt giữ, Quý lừa đảo 162 nạn nhân trên toàn quốc và chiếm đoạt tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.
Hiện nay, xuất hiện chiêu thức lừa đảo mới là kinh doanh không cần vốn. Các nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng vì bị dẫn dụ vào ma trận kinh doanh lừa đảo này. Đây là hình thức kinh doanh, buôn bán mà nhà bán lẻ không giữ hàng trong kho. Khi khách hàng mua sản phẩm, người bán sẽ chuyển đơn hàng qua bên nhà cung cấp, yêu cầu họ vận chuyển hàng tới tay khách hàng.
Người bán hàng, hay còn gọi là người trung gian, chỉ cần tập trung vào việc quảng bá sản phẩm, theo dõi đơn hàng, chăm sóc khách hàng... lợi nhuận có được từ khoản chênh lệch giá giữa nhà cung cấp và giá bán cho khách hàng trừ đi chi phí vận chuyển. Vì tiện ích, nên nhiều người sử dụng hình thức kinh doanh này đang bị các đối tượng lừa đảo đưa vào tầm ngắm, dẫn dụ vào bẫy để chiếm đoạt tài sản.
Lúc đầu người bán hàng được nhận đủ cả tiền gốc và lãi, nhưng các lần sau đó với số hàng lớn hơn, số tiền cũng lớn hơn thì các đối tượng chặn liên lạc và không thể rút tiền. Lúc này, người bán hàng mới biết mình bị lừa.
Theo các lực lượng nghiệp vụ của ngành công an, thực ra, các chiêu trò lừa đảo này không mới, nhưng biến tướng liên tục. Các nạn nhân vì nhận được tiền trong một vài lần giao dịch đầu tiên nên mất cảnh giác.
Qua nghiên cứu của lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh, phụ nữ rất dễ bị các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng. Phụ nữ có nhu cầu là vừa tìm được việc làm mà vẫn có thể chăm sóc được gia đình. Vì vậy, rất nhiều phụ nữ hiện nay đang bị rơi vào cái bẫy làm việc online tại nhà và trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao.
Tại hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy tháng 3/2024, Thượng tá Mai Văn Toàn, Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh đã thông tin về tình hình và kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thời gian gần đây, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Trong đó, đặc biệt lưu ý với đội ngũ báo cáo viên Tỉnh ủy, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền âm mưu, thủ đoạn và hết sức cảnh giác với chiêu thức lừa đảo trên không gian mạng của các đối tượng. Đáng lưu ý, nhiều người có học thức, nhưng vẫn nhẹ dạ, cả tin, dẫn đến bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Nhằm nâng cao ý thức, kỹ năng tiếp cận thông tin trên không gian mạng, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đã triển khai các lớp tập huấn, bồi dưỡng để phụ nữ, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ động hơn nữa trong tiếp cận, nắm bắt thông tin trên không gian mạng, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
“Với chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng nghiệp vụ công an trong toàn tỉnh tiếp tục đấu tranh với các loại tội phạm này, nhưng cũng khuyến cao người dân không vì hám lợi, nôn nóng mong có việc làm, tăng thu nhập mà bất chấp để dẫn đến bị các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh lưu ý.