ClockThứ Hai, 02/08/2021 06:45

Chống buôn lậu, ngăn hàng giả xâm nhập thị trường

TTH - Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, song hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi. Kiểm soát thị trường hàng hoá, tăng cường chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại được Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đẩy mạnh.

Chống buôn lậu, hàng giả & trong sạch bộ máy cán bộ quản lý thị trườngTăng cường chống buôn lậu, gian lận trong thương mại điện tử

Phát hiện, tạm giữ hàng ngàn sản phẩm giả nhãn hiệu do nước ngoài sản xuất

Thủ đoạn tinh vi, có tổ chức

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình thị trường trên địa bàn khá ổn định, giá bán hàng hóa không có biến động lớn, lượng hàng hóa cung ứng trên thị trường đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng; hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu trên địa bàn diễn biến khá phức tạp. Trong đó, hàng nhập lậu bị phát hiện chủ yếu là linh kiện điện tử, rượu, thuốc lá, mỹ phẩm…; hàng giả chủ yếu là các mặt hàng áo quần, giày dép, túi xách giả các nhãn hiệu Adidas, Nike, The North Face…

Theo lãnh đạo Cục QLTT tỉnh, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả vẫn được các đối tượng vận chuyển qua địa bàn tỉnh với các thủ đoạn tinh vi, có tổ chức, như sử dụng xe không chính chủ (thuê xe, mượn xe) để vận chuyển hàng hóa nhập lậu với số lượng lớn; chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển, vận chuyển hàng hóa vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ.

Ngày 15/7, qua công tác quản lý, giám sát địa bàn, bằng các biện pháp nghiệp vụ chuyên môn, Đội QLTT số 2 đã phát hiện, tạm giữ 1.165 áo may sẵn các loại không có hóa đơn, chứng từ kèm theo tập kết trên lề đường trước số nhà 132 đường Lý Thái Tổ, phường An Hòa, TP. Huế; gồm: áo thun, áo ấm mang nhãn hiệu Lacoste do nước ngoài sản xuất; áo ấm mang nhãn hiệu Lacoste do Việt Nam sản xuất. Số hàng hóa nói trên hiện chưa xác định được chủ sở hữu, trị giá ước tính khoảng 300 triệu đồng.

Trước đó, vào đầu tháng 6/2021, sau khi xác minh tin báo do người dân cung cấp, Đội QLTT số 1 đã khám phương tiện ô tô tải mang biển kiểm soát 29H 445.45 do ông Phạm Quốc Dũng, địa chỉ phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội điều khiển đang dừng đổ hàng tại đường Dương Văn An, TP. Huế. Đoàn kiểm tra phát hiện 32 loại hàng hóa với 875 sản phẩm gồm sữa ngoại nhập, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ theo quy định. Đây là những sản phẩm liên quan đến sức khoẻ người tiêu dùng nên nếu không được phát hiện sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Tăng cường kiểm soát thị trường

Theo Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Phan Hùng Sơn, thời điểm từ nay đến cuối năm 2021, dịch COVID- 19, dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu bất thường… là nguy cơ của nhiều yếu tố diễn ra trên thị trường như đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt gây nhiễu loạn thị trường. Đồng thời, các đối tượng sẽ lợi dụng bối cảnh toàn lực lượng chung tay phòng, chống dịch, thiên tai để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm…

Bên cạnh đó, hoạt động bán hàng qua mạng xã hội, thương mại điện tử, bán hàng đa cấp… vẫn tiềm ẩn hoạt động xen ghép, trá hình để thực hiện buôn bán hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, môi trường kinh doanh. Mặt khác, tội phạm sử dụng thiết bị, công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội, đối phó với lực lượng chức năng có xu hướng gia tăng, phức tạp hơn với nhiều thủ đoạn khó lường đã đặt ra yêu cầu mới, quan trọng hơn trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Để kiểm soát hàng hóa, ổn định thị trường, Cục QLTT tỉnh tiếp tục chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát vừa tổng thể vừa có trọng tâm, tập trung vào địa bàn trọng điểm, các mặt hàng trọng điểm, hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân; hàng có nhu cầu cao theo mùa vụ; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại cả trong khâu lưu thông, vận chuyển và tại địa bàn cố định. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng chức năng trong xử lý các hành vi vi phạm; phối hợp với các ban quản lý chợ tại các huyện, thị xã, TP. Huế tổ chức tuyên truyền, ký cam kết, vận động các hộ kinh doanh tại các chợ không kinh doanh hàng giả, hàng lậu và tích cực hưởng ứng, tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, không tham gia hoặc tiếp tay cho kinh doanh hàng lậu, hàng giả...

Mặt khác, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, làm cho mọi người hiểu rõ tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng để từ đó không tham gia, tiếp tay đồng thời tố giác các hành vi vi phạm.

Từ đầu năm năm nay, Cục QLTT đã kiểm tra khoảng 700 vụ, trong đó số vụ không vi phạm là 28 vụ, số vụ đang xử lý gồm 6 vụ và số vụ xử lý trên 620 vụ, tổng giá trị thực hiện hơn 3,7 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
Chặn sim rác ra thị trường

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) yêu cầu từ sau ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được phát triển mới không đúng quy định.

Chặn sim rác ra thị trường
Giá vàng sáng 16/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 16/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Giá vàng sáng 16 4

TIN MỚI

Return to top