ClockThứ Ba, 14/11/2023 13:59
TRÀO LƯU TẠO HÌNH ẢNH BẰNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO AI:

Dễ bị lợi dụng, lừa đảo

TTH - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có không ít người, kể cả người lớn và các bạn trẻ tự tạo hình ảnh của mình bằng trí tuệ nhân tạo (tức AI). Đây là trào lưu mới, theo lực lượng công an, người dân không nên thực hiện vì các đối tượng xấu sẽ lợi dụng hình ảnh để lừa đảo.

Tăng cường hiểu biết và hợp tác toàn cầu để phát triển AI an toàn, có đạo đứcKhai mạc Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về AI

 Thông điệp mà lực lượng Công an tỉnh cảnh báo đến người dân về nguy cơ mất an toàn thông tin từ trào lưu tạo ảnh bởi ứng dụng AI

Chị M, trú tại TP. Huế có con học lớp 12. Trước trào lưu của xã hội, con chị cũng đã sử dụng các thao tác để tạo ảnh bằng trí tuệ nhân tạo AI. Qua trí tuệ nhân tạo AI, khuôn mặt thực tế của cháu đẹp và lung linh, phong cách hơn.

Thấy thích, chị cũng nhờ đứa con mình hướng dẫn để tạo hình ảnh cho bản thân mình. Đem hình ảnh phong cách hơn của bản thân, chị chia sẻ cho bạn bè, người thân cùng thực hiện. Chị cũng như các người thân, nhất là nhóm bạn bè tỏ ra rất thích thú với hình ảnh của mình từ việc tạo ảnh bằng trí tuệ nhân tạo AI.

Theo lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh, dù người dùng sau khi thu về ảnh đã xử lý và chỉ dùng các ảnh đã xử lý này để thay avatar trên mạng, tuy nhiên, các hình ảnh gốc, phần lớn là ảnh chụp cận mặt về bản chất đã được tải lên và có thể vẫn lưu trữ tại hệ thống máy chủ của các nhà cung cấp dịch vụ.

Việc tập trung các hình ảnh này tại một nơi sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị lộ lọt, tấn công bởi hacker. Nếu kho ảnh rơi vào tay kẻ xấu, các đối tượng có thể dùng công nghệ deepfake để tạo ra ảnh và video giả mạo cho các mục đích khác nhau, thậm chí lừa đảo.

Thực tế cho thấy, đã có không ít vụ lừa đảo mà các đối tượng xấu đã dùng công nghệ deepfake gán khuôn mặt người này sang người khác trong video để giả người thân, tạo ra các hoàn cảnh éo le để mượn tiền.

Trước đó, Công an TP. Huế tiếp nhận đơn trình báo của một bị hại trú trên địa bàn về việc, bị lừa 380 triệu đồng.

Khi nhận được cuộc gọi hình ảnh của cháu gái đang sống tại Mỹ mượn tiền: "Cho cháu mượn gấp 20 triệu đồng vì có đứa cháu bên chồng vừa nhập viện, bác sĩ yêu cầu phải mổ tim cấp cứu. Dì gửi cho cháu mượn rồi cháu sẽ gửi về trả vì hôm nay là ngày Chủ nhật không gửi được tiền".

Bị hại không chút nghi ngờ liền chuyển 20 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, chỉ trong vòng chưa đầy 3 giờ, "người cháu" nhiều lần gọi điện về cho bị hại mượn thêm 360 triệu đồng vì bệnh viện yêu cầu phải đóng thêm viện phí mới thực hiện được ca mổ, tính mạng cháu bé đang nguy kịch. Tổng cộng nạn nhân đã vay mượn rồi chuyển 380 triệu đồng cho "người cháu" mượn.

Nhiều ngày trôi qua không thấy cháu hoàn trả tiền, nạn nhân nhắn tin hỏi thăm thì người cháu tỏ ra bất ngờ vì không hề có đứa cháu nào nhập viện cấp cứu cả. Lúc này, bị hại mới biết là mình đã bị lừa.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh cho biết, các đối tượng đã sử dụng chiêu lừa đảo bằng hình thức giả cuộc gọi video. Để thực hiện hành vi này, các đối tượng tìm kiếm, thu thập thông tin cá nhân, hình ảnh, video có giọng nói được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội… rồi sử dụng công nghệ deepfake để tạo sẵn những video rất khó phân biệt thật giả để lừa đảo.

Việc tải, sử dụng các ứng dụng tạo ảnh hoạt hình, tức ảnh AI, theo trào lưu trên mạng xã hội sẽ lộ, lọt thông tin, hình ảnh cá nhân, dễ dàng mất an toàn thông tin và tiếp tay cho lừa đảo.

Công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh khuyến cáo, cảnh báo người dân không nên chạy theo trào lưu, sử dụng tạo ảnh bằng trí tuệ nhân tạo AI để đưa hình ảnh của mình lên mạng xã hội; tạo môi trường thuận lợi cho các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện các hành vi lừa đảo.

Những nguy cơ mà người tải, sử dụng các ứng dụng tạo ảnh hoạt hình có thể đối diện là, lộ, lọt thông tin cá nhân kèm theo hình ảnh (có các thông tin về thiết bị, thời gian, vị trí chụp ảnh), thông tin trên thiết bị điện tử do tải và cấp một số quyền truy cập thiết bị cho ứng dụng.

Người dùng bị thu thập các bức ảnh chân dung, từ đó đối tượng xấu sử dụng tạo video giả mạo thông qua công nghệ deepfake, thực hiện cuộc gọi video call lừa đảo cho người thân của nạn nhân.

Người dùng bị lợi dụng các hình ảnh chân dung để đánh cắp thông tin tài khoản cá nhân có thiết bị xác lập tài khoản bằng khuôn mặt và một số nguy cơ mất an toàn thông tin khác.

Người dùng nên chọn lọc và sử dụng các phương thức, ứng dụng uy tín được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá; phải đọc kỹ, hiểu về các điều khoản, yêu cầu trước khi cài đặt, sử dụng ứng dụng. Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, người dùng cần phải xem xét những quyền mà ứng dụng yêu cầu được truy cập.

Hạn chế chia sẻ hình ảnh, thông tin, dữ liệu cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội và đặc biệt không cung cấp những hình ảnh nhạy cảm, riêng tư cho mạng xã hội; tránh bị lừa đảo “tiền mất, tật mang”.

Bài, ảnh: PHONG ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cảnh báo trộm mùa nắng nóng

Dù đã được cảnh báo nhiều lần về các hành vi trộm cắp tài sản mùa nắng nóng, nhưng người dân vẫn chủ quan, thiếu cẩn thận để các đối tượng xấu lợi dụng đột nhập vào nhà thực hiện hành vi phạm tội.

Cảnh báo trộm mùa nắng nóng
Cảnh báo cấp độ cháy rừng rất nguy hiểm

Trước xu thế thời tiết cực đoan, nắng nóng gay gắt, ngày 19/4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tại vùng đồng bằng và TP. Huế dự báo cấp độ cháy rừng cấp 3 (cấp nguy hiểm), đặc biệt ở Nam Đông cấp 4 (cấp rất nguy hiểm).

Cảnh báo cấp độ cháy rừng rất nguy hiểm
Return to top