|
|
Nhiều trường đã có nhà vệ sinh sạch sẽ |
Trên 100 tỷ đồng xây dựng nhà vệ sinh
Trước năm 2019, toàn tỉnh có trên 1.300 khu nhà vệ sinh ở 1.000 điểm trường dành cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, có đến trên 800 nhà vệ sinh xuống cấp và quá tải, nhất là từ khi các trường học hai buổi/ngày.
Hơn nữa, nhiều nhà vệ sinh xây dựng đã lâu, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định hiện hành. Càng khó hơn khi khu nhà vệ sinh thường được xây xa khu vực học sinh, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, thiếu nguồn nước, nhiều thiết bị hư hỏng. Một số khu nhà vệ sinh ở các trường miền núi chủ yếu dùng nguồn nước mưa hoặc nguồn nước tự chảy nên vào mùa nắng không có nước sử dụng, bốc mùi, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 24/2/2020, UBND tỉnh có Quyết định 525/QĐ-UBND phê duyệt chương trình nhà vệ sinh trường học, giai đoạn 2020 - 2021 khiến phụ huynh vơi bớt âu lo. Điều đó đồng nghĩa giai đoạn này sẽ bảo dưỡng, xây mới trên 500 nhà (phòng) vệ sinh học sinh với tổng kinh phí dự tính khoảng 101 tỷ đồng. Khi được đầu tư kinh phí xây dựng, nhiều nhà vệ sinh không chỉ có diện tích rộng hơn, nhiều trường được trang bị đầy đủ bồn rửa tay, chậu vệ sinh… mà còn ở không gian thoáng đãng, được trang trí nhiều tranh ảnh sinh động và bắt mắt; bước vào phòng vệ sinh, không hề khó chịu mà còn cảm thấy thân thiện và nhẹ nhàng khi được… nghe nhạc, văng vẳng những âm thanh nhẹ nhàng. Nhiều trường đã bố trí hai nhân viên dọn dẹp các khu nhà vệ sinh của học sinh. Còn học sinh được hướng dẫn cách giữ vệ sinh thân thể và giữ vệ sinh khu vực vệ sinh trong trường học. Đồng thời, phụ huynh cũng được góp ý, đóng góp để công tác vệ sinh trong nhà trường tốt hơn.
Đã có cơ chế quản lý
Nói như vậy không có nghĩa là tất cả nhà vệ sinh ở các trường đều sạch sẽ sau khi được đầu tư. Ở một số trường vẫn xảy ra tình trạng nhà vệ sinh mới xây được một vài năm lại rơi vào tình trạng nhếch nhác. Mới đây, một số phụ huynh đã phản ảnh về tình trạng nhà vệ sinh bốc mùi ở một trường trung tâm TP. Huế. Nhiều ý kiến cho rằng, hiệu trưởng phải có biện pháp quyết liệt, linh hoạt, công khai, minh bạch để nhà vệ sinh luôn sạch là chuyện trong tầm tay, còn để có nó đẹp thì tùy điều kiện mỗi trường. Rất may, hiệu trưởng của ngôi trường trên đã tiếp thu ý kiến và đã có giải pháp phù hợp khi trường có số học sinh học bán trú khá đông.
Vấn đề là cơ chế bảo quản nhà vệ sinh. Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, giai đoạn tiếp theo Sở sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục đầu tư xây mới, sửa nhà vệ sinh trong trường học. Tuy nhiên, quan trọng không chỉ là bố trí nguồn lực mà phải quản lý, vận hành nhà vệ sinh. Trong đó, chú ý đến khâu bảo trì, bảo dưỡng để sử dụng hiệu quả. Thực tế, lâu nay các trường không thể bố trí nhân viên để dọn dẹp vệ sinh vì không có trong định biên biên chế. Mới đây, HĐND tỉnh đã ban hành NQ 05 quy định mức thu các khoản dịch vụ phục vụ hỗ trợ giáo dục ngoài học phí, đáp ứng nhu cầu người học của cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn. Theo đó, các trường học được phép thu theo hình thức xã hội hóa trên mỗi học sinh để thuê nhân viên làm vệ sinh trong trường học. Đồng thời, vai trò của nhân viên y tế ở các trường vô cùng quan trọng khi tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nhà vệ sinh luôn thoáng mát, sạch sẽ.
Nâng cao sức khỏe học đường, cải thiện thể chất cho người Việt, cần bắt đầu từ việc giải quyết "đầu ra" một cách hợp vệ sinh cho các em học sinh. Nhìn rộng ra đó còn là văn hóa giữ gìn vệ sinh chung, coi trọng các tài sản công cộng. Bởi, không có một nhà vệ sinh đàng hoàng thì làm sao dạy trẻ khi đến nơi công cộng phải giữ vệ sinh? Chưa kể, nhà trường là nơi trẻ đi học, là nơi lẽ ra trẻ phải được xây dựng những văn hóa đẹp từ các thói quen nhỏ nhất.
Theo Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025 đã được Chính phủ ban hành, mục tiêu đến năm 2025, 100% trường học có nhà vệ sinh. Trong đó, có 50% trường học có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định và 80% trường học có nhà vệ sinh đảm bảo điều kiện hợp vệ sinh. Đây thật sự là mục tiêu thách thức, nếu các trường vẫn coi nhà vệ sinh là "công trình phụ".