Thứ Sáu, 05/06/2020 14:08
(GMT+7)
Không chỉ là chiếc khẩu trang
TTH - Hình ảnh trên facebook của cô bạn hàng xóm khiến tôi lấy làm thích thú. Chả là cô nàng khéo tay trong trồng trọt, thêu thùa, nấu ăn. Ngay cả những chiếc khẩu trang bình thường, cô ấy cũng kỳ công thêu lá hoa và những biểu tượng nhỏ xinh trông rất dễ thương. Chủ đề trên trạng thái facebook hôm ấy của cô thu hút khá nhiều bình luận. Còn với cô, đó là cách để làm cho những chiếc khẩu trang bớt đơn điệu và “nâng cấp” thêm giá trị cho một món đồ giờ đây không thể quên mang theo khi ra ngoài.
Nhà thiết kế người Việt và những chiếc khẩu trang thời trang trên tạp chí ở Áo. Ảnh: Phong Đan
Đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới có một cái nhìn khác hoàn toàn về chiếc khẩu trang sau những tranh cãi và cuối cùng giá trị của nó đã được thừa nhận. Khi bản tin “Cập nhật COVID-19” của kênh Hue TV bắt đầu và có sự kết nối với người Việt ở các quốc gia, chúng tôi nghe nhiều chuyện cảm động. Ở Nga, Mỹ, Đức, Singapore… người Việt tạo nên những dấu ấn với cộng đồng sở tại khi tự tay may, tặng khẩu trang cho nhiều người. Như tại Đức, một nhóm phụ nữ Việt Nam liên kết và chia sẻ nguồn vải may hàng ngàn chiếc khẩu trang tặng người dân và các cơ sở y tế. Phong trào lan tỏa không chỉ trong nhóm người Việt mà cả những người nước ngoài có tấm lòng thiện nguyện. Và có hẳn dự án 100 ngàn khẩu trang cộng đồng người Việt tặng Nhân dân Đức. Chiếc khẩu trang mang theo cả tình thương, sự sẻ chia với những người đồng cảnh.
Ở Áo, qua vài hình ảnh được các du học sinh chuyển về, không chỉ chúng tôi mà nhiều người rất thích những khẩu trang với họa tiết, màu sắc bắt mắt. Khẩu trang được trưng bày ở vị trí trang trọng trong các cửa hàng thời trang hoặc đeo lên các con thú nhồi bông, trang trí lên gương trông rất phong cách. Và giá của mặt hàng này ở Áo trong mùa dịch khiến tôi không tin vào tai mình: 15-25 euro một chiếc khẩu trang thiết kế dạng trung lưu, nghĩa là tầm ba trăm đến năm trăm mấy ngàn đồng. Ôi chao, tan mộng “order” khẩu trang Áo của các đồng nghiệp. Người kết nối ở vùng đất được xem là cái nôi của âm nhạc cổ điển thế giới cho hay, khẩu trang ở đây được nâng lên thành một ngành hàng thời trang hẳn hoi, trong đó có sự tham gia của nhà thiết kế người Việt sở tại. Trẻ em mang khẩu trang có hình muông thú; nghệ sĩ mang khẩu trang tự nhuộm; người bình dân trung lưu mang khẩu trang vải với nhiều chất liệu và họa tiết khác nhau; trong khi đó thì người giàu có đẳng cấp lại mang khẩu trang thiết kế riêng gắn những chiếc lông vũ giá vài chục cho tới cả trăm euro. Các tạp chí dành hẳn những trang ảnh cùng người mẫu đeo khẩu trang. Đến lúc này, đừng bảo khẩu trang là thứ đơn giản rẻ tiền nữa nhé!
Sau khi dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu giảm, giá khẩu trang đã hạ nhiệt. Song, đằng sau những con số, những bản tin ấy trước đó còn là một cuộc chạy đua sản xuất khẩu trang ở một số quốc gia, giữa các nhóm lợi ích và nhiều thứ rơi vào guồng xoáy khi dịch bệnh tấn công. Câu chuyện này tôi đọc trên một bài longform khá thú vị của một tờ báo điện tử uy tín. Rõ ràng khẩu trang không còn đơn thuần là một mặt hàng y tế mà đã trở thành một mảng tài nguyên béo bở trên lĩnh vực kinh tế đang được khai thác và nhắm tới.
Bài: L.Tuệ