ClockThứ Bảy, 18/11/2017 10:03

Lũ lụt mới thấy hạnh phúc khi có điện

TTH - Cách đây khoảng hơn 20 năm về trước, mất điện là chuyện bình thường. Cảm giác như đó là lẽ thường, không có gì phải bực bội, phàn nàn. Điện mất ban ngày, ban đêm bị cắt, xem TV đang hay bị cắt. Thời đó cắt điện không cần “quy trình”, không có lịch nên có điện hay không có khi còn do may rủi.

 Thế nên, nhà nào có việc gì hệ trọng phải lên “gặp” Giám đốc Điện lực để mong thông cảm, chiếu cố cho… thêm ngày không cắt điện. Nhà nào có điều kiện hơn thì thuê, mượn máy nổ hoặc bình ắc quy. Thời đó, máy điều hòa còn xa xỉ nên có được điện để thắp sáng ít bóng đèn, chạy mấy cái quạt là sang lắm rồi. Khi ổn định lưới điện hơn nhưng lại thiếu nguồn nên bị cắt điện luân phiên, một ngày có thì sau đó cắt một hoặc hai ngày là chuyện đương nhiên. Đêm nào có điện là hạnh phúc lắm, trong nhà muốn làm gì liên quan đến điện là lên kế hoạch cho mọi thành viên được chủ động. Ngay cả những đêm vào phiên có điện nhưng có khi sau 8 giờ tối điện mới đỏ, có muộn nhưng còn hơn không….

Một vài ký ức nho nhỏ để nhớ lại thời kỳ gian khổ, khổ đủ thứ, trong đó có cái khổ vì thiếu điện. Mấy ngày nay Huế ngập lụt mênh mông. Có lẽ 18 năm nay rồi mới có một trận lụt to đến thế. Nước chảy xiết trên sông, trên đường, nước ngập không biết bao nhiêu ngôi nhà. Rất may, dân Huế rút kinh nghiệm với mức nước lũ lịch sử 1999 nên đã xây nhà cao hơn hoặc có thêm gác xép trốn lụt nên đỡ đi phần nào thiệt hại. Nhưng có một cái không thể khắc phục được đó là mối quan hệ giữa lụt và điện. Có lụt đương nhiên phải cắt điện, không có điện là do lụt. Chính những lúc này mới thấy được giá trị đem lại từ nguồn điện.

Nước mới tràn đường, thế là cắt điện. Dọn dẹp chạy lụt mà không có điện thì không còn gì vất vả hơn. Không có điện thì không có TV, muốn nghe nhạc cũng đành chịu. Nhưng buồn hơn cả là thông tin với bên ngoài qua “phây”, qua điện thoại cũng đành bó tay. Có điện thoại đời mới, có sạc dự phòng nhưng cũng chỉ dùng được thêm mấy giờ là hết. Nhìn thấy nước lụt lên mà không biết thông báo của khí tượng thủy văn thế nào? Ngồi chờ mà sợ nước lên hơn 1999 thì có mà... héo. Muốn liên lạc với người này, người nọ để biết tình hình diễn biến lũ lụt cũng không biết phải làm thế nào.

Khi có điện thì dùng xả láng, chỉ khi mất điện mới thấy được giá trị do điện mang lại. Thủy điện cũng có những mặt trái, tồn tại, hệ lụy nhưng không có nguồn điện từ thủy điện mang lại thì có lẽ Việt Nam sẽ còn khổ dài dài vì cắt điện luân phiên. Thủy điện và điện có mối quan hệ với nhau, không nên đổ lỗi quá mức cho thủy điện mà oan cho nó. Lụt bị mất điện mới thấy hạnh phúc khi có điện.

NGUYỄN AN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiến tạo trường học hạnh phúc - Bài 1: Áp lực từ trường học

Tại Thừa Thiên Huế, nhiều trường học đang hướng đến xây dựng một môi trường giáo dục lý tưởng khi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc, là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp.

Kiến tạo trường học hạnh phúc - Bài 1 Áp lực từ trường học
Thông tin doanh nghiệp:
Thông báo thành lập Quỹ từ thiện Hạnh Phúc (Happy Charity Fund)

Quỹ Từ thiện Hạnh Phúc hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế...

Thông báo thành lập Quỹ từ thiện Hạnh Phúc Happy Charity Fund
Xây dựng trường mầm non hạnh phúc

Ngày 18/10, tại Trường mầm non I, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị chuyên đề “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc – Lấy trẻ làm trung tâm”.

Xây dựng trường mầm non hạnh phúc

TIN MỚI

Return to top