Diễn tập PCCC nâng cao kỹ năng nghiệp vụ dập tắt đám cháy
Ám ảnh
Đến nay, lực lượng chức năng và người dân vẫn không quên được 2 vụ cháy lớn xảy ra trong lĩnh vực dân sự gây thiệt hại 52 tỷ đồng.
Thượng tá Phan Thanh Phong, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh nhớ lại: “Cháy tại phân xưởng đan thuộc Công ty CP Liên Minh, địa chỉ 57/1 Nguyễn Khoa Chiêm, phường An Tây, TP. Huế là 1 trong 5 vụ cháy lớn mà chúng tôi thống kê từ năm 2018 đến nay. Vụ cháy này đơn vị đã xuất toàn bộ xe cùng cán bộ, chiến sĩ của 5 đội trực thuộc đến hiện trường tham gia chữa cháy. Đám cháy tuy được đơn vị dập tắt hoàn toàn, nhưng thiệt hại về tài sản khá lớn, 12 tỷ đồng”.
Vụ cháy tại kho nguyên liệu thuộc Công ty CP Sợi Phú Nam, đường số 8, KCN Phú Bài (TX. Hương Thủy) cũng là 1 trong những điển hình. Vụ cháy quá lớn, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã huy động 9 xe chữa cháy, 1 xe thang, 2 xe cứu nạn, cứu hộ, 3 xe bán tải chở máy bơm, 2 xe tải chở lực lượng, phương tiện… cùng 191 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường tổ chức CC và CNCH. Tuy đảm bảo được khối tài sản lớn ước tính hơn 700 tỷ đồng, nhưng vụ cháy đã gây thiệt hại hơn 40 tỷ đồng.
Ngoài cháy trong lĩnh vực dân sự còn có 3 vụ cháy rừng lớn liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, gây thiệt hại hơn 112 ha rừng. Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh, từ 2018 đến nay, tình hình cháy trên địa bàn tỉnh tuy có tăng về số vụ. Một trong những nguyên nhân chính là do sự cố hệ thống, thiết bị điện cùng với điều kiện thời tiết, nắng nóng kéo dài; bên cạnh đó, trong các nhà xưởng sản xuất công nghiệp, quy mô diện tích lớn, có bố trí nhiều chất dễ cháy lan dẫn đến khó khăn trong việc cứu chữa.
Tình trạng xuống cấp, mất an toàn của hệ thống dây chuyền công nghệ, nhà xưởng, nhà ở… cũng là những nguyên nhân dễ xảy ra cháy, nổ, nhất là cháy lớn trong thời gian tới.
Quan trọng vẫn là ý thức
Với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy lớn và thiệt hại do cháy lớn gây ra, nhiều giải pháp đã được lực lượng chức năng đặt ra. “Chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND các cấp thực hiện tốt hơn nữa chức năng quản lý Nhà nước về PCCC theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu chính quyền cơ sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội cần tăng cường nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nước và các điều kiện cần thiết phục vụ công tác PCCC tại địa phương, nhất là tại các KCN, khu kinh tế, cụm công nghiệp, cơ sở nguy hiểm cháy nổ xen kẻ trong khu dân cư”, Thượng tá Trần Văn Lâu, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh nói.
Thực tế cho thấy, ý thức và trách nhiệm tự phòng ngừa, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra cháy nổ tại mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà dân vẫn là giải pháp hàng đầu. Theo đó, vẫn tiếp tục xây dựng các mô hình, điển hình trong tự phòng, tự quản, tự hỗ trợ lẫn nhau bước đầu về PCCC và CNCH tại các địa bàn trọng điểm, tập trung đông dân cư, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ nằm xen kẽ tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Cụm trưởng Cụm doanh nghiệp an toàn, hỗ trợ PCCC và CNCH số 1 KCN Phú Bài cho biết: “KCN Phú Bài đã thành lập được 4 cụm doanh nghiệp an toàn, hỗ trợ PCCC và CNCH. Ngoài nhiệm vụ vận động, khuyến khích các thành viên trong cụm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật và PCCC, duy trì điều kiện an toàn PCCC, cụm còn chia sẻ những kinh nghiệm trong quản lý, sắp xếp hàng hóa, tổ chức sản xuất hiệu quả, an toàn. Cụm còn tổ chức kiểm tra chéo lẫn nhau, nhằm nâng cao hiệu quả an toàn về PCCC; kịp thời hỗ trợ nhau theo phương châm “4 tại chỗ” khi có sự cố cháy, nổ xảy ra”.
Thường xuyên kiểm tra PCCC, xử lý thật nghiêm những vi phạm về quy định PCCC cũng là giải pháp được đặt ra trong thời gian tới. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh tiếp tục rà soát, nắm chắc địa bàn, phân loại cơ sở theo mực độ nguy hiểm để lập hồ sơ theo dõi, quản lý PCCC, ngăn ngừa, ngăn chặn cháy lớn. “Chúng tôi đã lĩnh hội tinh thần của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an về hướng dẫn, huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp khi vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý. Nhiều giải pháp được triển khai; trong đó, huy động được sức dân, lực lượng tại chỗ cùng chống và dập lửa là giải pháp quan trọng nhất. Để ngăn ngừa các vụ cháy lớn, cần phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những trường hợp người đứng đầu cơ sở, cán bộ phụ trách địa bàn và chính quyền các cấp thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra cháy lớn. Ngoài nhân lực, phương tiện PCCC và CNCH thì lực lượng PCCC và CNCH tuyệt đối không để bị động, bất ngờ xảy ra”, Đại tá Nguyễn Đình Thừa, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định.
Bài, ảnh: Anh Phong