1. Cách đây chừng 3 năm, người bạn từ nước ngoài về mời cả lớp cũ đến nhà hàng sang trọng để gặp mặt thân mật. Buổi tiệc kéo dài hơn tiếng đồng hồ thì L. mới xuất hiện, cậu cẩn thận tìm chỗ đỗ chiếc Camry màu đen bóng nhoáng rồi bước vào với phong thái đĩnh đạc, hai tay giơ lên cáo lỗi cùng các bạn vì việc chậm trễ.
Mấy mươi năm gặp lại nhau, chúng tôi cứ thế tưng bừng với tinh thần chuẩn bị “góp gió” nên tha hồ “xả láng”. Buổi tiệc đang rộn ràng thi L. đưa ý kiến: “Ngang đây ngưng hè. Tăng hai karaoke đi”. Quả là hợp lý nên tất cả “ok”. Phục vụ đưa hóa đơn thanh toán, gần 12 triệu đồng cho tăng 1, mọi người đua nhau rút ví. Nhưng cậu bạn Việt kiều cương quyết đòi “bao”, nhiều tiếng tranh luận bảo không cần khách sáo, cứ góp cho vui. Cuộc tranh luận phải dừng lại khi cô phục vụ lên tiếng: “Dạ, hóa đơn đã được anh L. thanh toán xong rồi ạ”. Không để mọi người có ý kiến, L. khoát tay “chuyện nhỏ”. Và rồi, hóa đơn “tăng 2” hôm ấy của chúng tôi có lẽ cũng không ít hơn trong căn phòng VIP ở tiệm karaoke, L. vẫn một mình lo chứ không cho ai đóng góp, mặc cho người bạn Việt kiều tỏ ra khó chịu. Để mọi người yên tâm, một vài bạn gần gũi với L. lên tiếng: “Đại gia làm banh mà, chừng ni thấm thía chi”. L. tiếp lời: “Thân thương cả mà, các bạn đừng nghĩ nhiều”.
Mấy hôm trước một vài bạn trong lớp cùng đi uống cà phê. Vì là bạn thời cấp 2 nên nhà cha mẹ sống gần nhau. D., một bạn nữ kể: “Hôm qua mình về ngoại, thấy thằng L. đưa cả bầu đoàn thê tử về ở nhà ba mẹ hắn. Lần ni chắc không còn cơ hội, nghe nói “bể” lâu rồi, nhà cửa xe cộ bán hết sạch mà còn nợ nần chồng chất”. Trước đây, học xong trung học cơ sở, L. có học nghề may, từng mở tiệm, cuộc sống cũng ổn. Chẳng hiểu từ lúc nào bạn bỏ tất cả theo “nghề banh”. Giờ tan gia bại sản, “nghề banh” không có cơ hội tồn tại, nghề cũ bỏ nhiều năm nên cuộc sống phía trước quả là bế tắc.
2. Học hết trung học phổ thông, B. tham gia nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ về, anh có quan điểm rõ ràng “không chấp nhận đầu tắt mặt tối nên cương quyết không theo nghề thợ mộc của ba, gia đình lại không có đủ điều kiện giúp đỡ anh vốn làm ăn. Sau một thời gian dài tìm hiểu, chẳng biết ai đưa đường chỉ lối, anh đến với “nghề ghi banh ghi số”. Ai thắng thua không biết, tùy theo nhà cái, người ghi được hưởng từ 10 đến 20%, mỗi ngày chỉ cần vài khách quen ít thì ghi được vài triệu, nhiều cũng vài chục triệu đồng. Tính ra, chẳng hơn nhiều so với những công việc lao động cực nhọc mà không mất công học hành gì nhiều.
Mới vào nghề được hơn một năm, B. giờ phải đến phụ việc cho một quán cà phê, ngày làm 8 tiếng cũng chỉ được hưởng mức lương 2 triệu đồng/tháng. Toàn bộ tiền lương đem trả hết cho “nhà cái” vì trót một lần tin tưởng ghi nợ 30 triệu đồng cho khách quen. Khách thua, không còn khả năng trả nợ cho B., nhà cái đã yêu cầu B. ký những cam kết tương tự như hợp đồng và chắc chắn với những người làm nghề này, họ có biện pháp đủ mạnh để B. phải chịu trách nhiệm thay khách hàng của mình. Có lẽ B. phải mất hơn một năm sống dựa ba mẹ, đầu tắt mặt tối kiếm tiền mới trả hết nợ. Chừng ấy thời gian nếu chăm chỉ, cộng có ba truyền đạt hết kinh nghiệm thì B. cũng có thể trở thành một thợ mộc giỏi, tạo được cho mình cuộc sống ổn định.
Ai trong chúng ta cũng hơn một lần nghe mọi người nói ở đâu đó hai từ “làm banh” thản nhiên như một công việc đã ngầm được chấp nhận. Nhưng kết quả luôn là những hệ lụy không nhỏ; ít thì như B., mất một khoảng thời gian không ít để trả giá cách chọn nghề sai lệch của mình. Nặng hơn thì như L., ngấp nghé tuổi 50 chẳng còn gì ngoài số nợ không đủ khả năng trả thì đâu dễ có cơ hội làm lại từ đầu.
ĐĂNG VIỆT