ClockThứ Ba, 25/01/2022 13:59

Nhớ người quyết liệt bảo vệ sông Hương

TTH - Sáng 24/1/2022, đọc facebook của nhà báo Lê Đức Dục, tôi lặng người khi biết tin KTS. Nguyễn Trọng Huấn vừa qua đời ở TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 88 tuổi.

Chân dung KTS. Nguyễn Trọng Huấn qua ký họa của Võ Anh Thơ

Trong chia sẻ của mình, tác giả viết: Đó là năm trước, trong đề thi đại học môn văn về bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một trong những bút ký hay nhất về sông Hương, về xứ Huế và cũng là kinh điển của bút ký Việt Nam. Tác phẩm khiến nhiều thí sinh cảm thán: "Mai đây thi rớt đại học về nhà chạy grab, khi đi ngang qua sông Hương em sẽ dừng lại để tạ ơn dòng sông đã đưa em vào nghề". Bút ký kinh điển ấy, anh Tường viết tặng riêng cho anh Nguyễn Trọng Huấn - người có một tình yêu cuồng nhiệt và đớn đau dành cho con sông quê hương.

"Tình yêu cuồng nhiệt" của KTS. Nguyễn Trọng Huấn dành cho sông Hương, quả là ít người biết vì sau mấy năm đảm đương vai trò Trưởng phòng Quy hoạch của Sở Xây dựng Bình Trị Thiên ông đã chuyển vào công tác ở TP. Hồ Chí Minh.

Như chúng ta đã biết, sau ngày giải phóng, do đặc thù của mình nên Huế lúc ấy được xem là thành phố tiêu thụ “Hết gạo thì có Đồng Nai/Hết củi đã có Tân Sài chở vô” nên việc tìm kiếm và tạo dựng công ăn việc làm cho cư dân thành phố là yêu cầu bức bách.

Được sự quan tâm của Trung ương, Bộ Công nghiệp nhẹ hồi đó có dự định xây dựng ở Hương Hồ - phía thượng nguồn sông Hương một nhà máy dệt nhuộm. Trước khi phản biện, KTS. Nguyễn Trọng Huấn cùng đồng nghiệp tiến hành khảo sát thực địa. Bằng lập luận khoa học, KTS. Nguyễn Trọng Huấn đặt vấn đề, nếu đặt ở Hương Hồ thì nước thải của nhuộm sẽ đi về đâu. Chỉ vào tấm sơ đồ mà ông đã chuẩn bị sẵn, KTS. Nguyễn Trọng Huấn chứng minh: Chắc chắn sẽ theo dòng sông Bạch Yến về sông An Hòa rồi “tuốt tuột đổ ra ngã ba Sình”. Thủy triều lên, cái màu đen hắc hám ấy sẽ bị đẩy ngược trở lại. Thử hỏi, sông Hương lúc đó có còn là sông Hương?

Trước sự phản biện hùng hồn của KTS. Nguyễn Trọng Huấn, cuối cùng Bộ Công nghiệp nhẹ thỏa thuận với tỉnh Bình Trị Thiên chuyển vị trí xây dựng nhà máy về Thủy Dương như hiện nay. Ngoài phản biện khoa học, sau khi chia tách, tỉnh Thừa Thiên Huế đã mời KTS. Nguyễn Trọng Huấn chủ trì đồ án quy hoạch đôi bờ sông Hương.

Đóng quân ở Nhà khách số 2 Lê Lợi, hầu như ngày nào KTS. Nguyễn Trọng Huấn cũng “dầm mình” vào công việc.

Trong đồ án của mình, KTS. Nguyễn Trọng Huấn kiến nghị di dời nhiều công trình (kể cả khách sạn Century và dãy nhà ở khu vực từ cửa Ngăn về Thượng Tứ) nhằm trả lại quyền được nhìn dòng sông và tôn vinh vẻ đẹp của Kinh thành Huế; ở bờ sông nên dựng tượng công chúa Huyền Trân - người vì Ô Lý mà ngàn dặm ra đi.

Có thể đồ án của KTS. Nguyễn Trọng Huấn khó biến thành hiện thực, nhưng những ý tưởng của ông trên phương diện nào đó đã được hiện thực hóa từ quy hoạch chi tiết do KOICA tài trợ và đã được thông qua. Dọc đôi bờ sông Hương những khu nhà chồ, các vạn đò lần lượt được giải tỏa; công viên, đường đi dạo, bến tắm đã được xây dựng… Chỉ tiếc trong tiến trình chuyển mình của Huế vị KTS mang “Tình yêu cuồng nhiệt” đối với con sông quê hương đã chưa có dịp trở lại thăm thú quê nhà.

Tôi viết những dòng này để nhớ một người đã khẳng khái bày tỏ chính kiến tâm huyết của mình.

Phạm Hữu Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

Ngày 16/12, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi các sở, ngành, địa phương về việc điều tiết nước hồ Tả Trạch về hạ du sông Hương.

Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước
Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư

Các dự án (DA) đê ngầm giảm sóng và kè chống sạt lở trong bờ đang từng bước giúp phục hồi đường bờ biển và hình thành bãi biển ổn định, nhằm bảo vệ an toàn cho người dân tại các khu dân cư tập trung và phát triển du lịch địa phương.

Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư
Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Ngày 13/12, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây phối hợp với Trường THPT Thừa Lưu (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) tổ chức hội thi “Rung Chuông vàng” tìm hiểu về lịch sử 80 năm của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024); 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) và 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới

Ban Chỉ đạo 35 tỉnh đã phát động Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ II - năm 2025. Đây là giải pháp để tiếp tục nâng cao khả năng tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiệu quả.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

Những thay đổi nhỏ từ lối sống hằng ngày như đi chợ bằng giỏ, đựng thực phẩm trong hộp, dùng túi đựng, ống hút, ly uống nước... bằng giấy, hội viên phụ nữ TP. Huế đang góp phần giảm rác thải nhựa, túi ni lông ra môi trường. Đồng thời, lan tỏa phong trào sống xanh, góp phần chung tay vì một Huế - đô thị giảm nhựa.

Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

TIN MỚI

Return to top