ClockThứ Ba, 19/09/2023 06:52

Tạo thói quen để học sinh lựa chọn phương tiện đúng quy định

TTH - Tạo thói quen cho các em học sinh lựa chọn phương tiện đúng quy định để đi lại khi đến trường; không để người dân sinh sống gần các trường học tự ý mở các điểm trông giữ xe của các em học sinh trái quy định.

Đồng loạt xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ

CSGT tuyên truyền, hướng dẫn các em học sinh ký cam kết không điều khiển xe mô tô trái quy định 

Đây là 2 nhiệm vụ cũng là mục tiêu xuyên suốt mà công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh hướng đến vì sự an toàn đối với các em học sinh khi năm học mới bắt đầu.

Những ngày qua, lực lượng CSGT toàn tỉnh phối hợp với công an các địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát, dừng các loại phương tiện mô tô, xe máy của các em học sinh khối THCS, THPT để vừa tuyên truyền, nhắc nhở, vừa xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bước vào năm học mới, nhiều bậc phụ huynh đã “đầu tư” mua sắm cho con em mình mô tô, xe máy làm phương tiện để đi học. Tuy nhiên, không ít bậc phụ huynh không quan tâm xem lứa tuổi con em mình được điều khiển loại phương tiện nào, mà chỉ nghĩ rằng, cứ có xe cho con em mình đi học là được.

“Nhà tôi  có 2 đứa con trai. Đứa đầu năm nay học lớp 12, đứa sau bước vào lớp 10. Đứa lớp 10, gia đình mới mua cho 1 chiếc xe máy dưới 50 phân khối. Đứa 12 lấy mô tô của ba nó để đi. Hay tin lực lượng CSGT trong tỉnh đồng loạt ra quân xử lý học sinh điều khiển mô tô, xe máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB),gia đình đã chuyển xe máy dưới 50 phân khối cho đứa học lớp 12 đi học. Cháu lớp 10, gia đình cắt cử người đưa đón cháu tới trường”, chị Nguyễn Thị M, trú tại phường Vỹ Dạ (TP. Huế) chia sẻ.

Từ khi biết lực lượng CSGT xử lý nghiêm việc học sinh đi học, chưa đủ tuổi, chưa đủ điều kiện theo quy định, nhưng vẫn điều khiển mô tô, xe máy đến trường, nhiều học sinh không khỏi giật mình, lo lắng. Tình trạng học sinh THCS mới chỉ 14, 15 tuổi chạy xe dưới 50 phân khối không phải hiếm gặp.

“Có xe trong nhà, các cháu cứ lấy chạy đi học, chơ không biết là không đúng quy định. Mong rằng, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, nhắc nhở để không chỉ các cháu mà các bậc phụ huynh cũng hiểu rõ hơn, nhằm nhắc nhở, ngăn cấm không cho các cháu điều khiển xe vi phạm Luật GTĐB”, anh Nguyễn A, trú tại xã Phú Dương (TP. Huế) trò chuyện.   

“Theo quy định, học sinh đủ 18 tuổi, có bằng lái xe A1 mới được điều khiển mô tô. Học sinh đủ 16 tuổi mới được điều khiển xe máy dưới 50 phân khối đến trường. Tuy nhiên, thực tế không phải học sinh nào cũng chấp hành đúng theo quy định của pháp luật. Lái xe khi chưa đủ tuổi, chưa đủ các giấy tờ cần thiết sẽ bị phạt theo quy định của pháp luật.”, một cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết.

Hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến học sinh điều khiển mô tô, xe máy, hiện lực lượng CSGT trong toàn tỉnh cũng đã và đang phối hợp với công an địa phương làm việc với Ban giám hiệu các trường THCS, THPT để tuyên truyền, nhắc nhở các em học sinh tuân thủ nghiêm Luật GTĐB khi điều khiển phương tiện đến trường.

“Các em học sinh tại các trường đều phải ký cam kết với lực lượng CSGT, không điều khiển phương tiện mô tô khi chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái đến trường. Không lạng lách, đánh võng, dàn hàng ngang khi đi trên đường”, lãnh đạo Trường THPT Thuận An (TP. Huế) khẳng định.

Cùng với việc tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nghiêm hành vi vi phạm Luật GTĐB, lực lượng CSGT còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và công an sở tại làm việc với các hộ dân sinh sống gần các trường học để ký cam kết không lập các điểm trông giữ xe tự phát; không để học sinh gửi xe; không thu tiền gửi xe của học sinh… gây mất trật tự an toàn giao thông.

“Tôi nghỉ hưu đã 8 năm. Vì hoàn cảnh, tôi phải đi làm thuê 7 năm nay. Nay, vì sức khỏe, tôi ở nhà bán quán gần trường trung học phổ thông. Tôi xin cam đoan: Không mở bãi giữ xe tự phát. Không cho học sinh để xe bừa bãi. Nếu sai, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm”, một người dân cam đoan với lực lượng CSGT thuộc Phòng CSGT, Công an tỉnh và Ban giám hiệu trường học.

Để tạo thói quen, nâng cao ý thức khi tham gia giao thông đến trường của các em học sinh, ngoài lực lượng CSGT, công an địa phương, Ban giám hiệu nhà trường thôi chưa đủ, mà cần sự đồng hành của các bậc phụ huynh.

Các bậc phụ huynh không chỉ nhắc nhở con em mình nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, mà còn cương quyết không để các em sử dụng mô tô đến trường khi chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái xe; tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra khi tham gia giao thông. 

Bài, ảnh: PHONG ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ

Tình trạng xe container, đầu kéo, xe hợp đồng chở khách, xe chạy tuyến cố định vi phạm tốc độ dù đã được kiểm tra, xử lý nhắc nhở thường xuyên, song vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Giải pháp đặt ra vẫn là quản lý chặt chẽ hơn nữa, xử lý nghiêm hơn nữa các phương tiện vi phạm để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.

Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ
Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui
Hơn 16.000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Được phát động từ tháng 4 đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 thu hút 16.358 bài dự thi đến từ 120 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia.

Hơn 16 000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top