ClockThứ Năm, 06/08/2020 15:14

Thay đổi hành vi hướng đến bảo tồn rừng, động vật hoang dã

TTH - Kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại ĐVHD trái pháp luật, nhất là ĐVHD dã thuộc lớp thú, chim, bò sát trong môi trường tự nhiên... Đó là một trong những nội dung vừa được ban hành trong Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD.

Bảo vệ rừng: Nhìn từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền

Lực lượng chức năng gỡ bẫy cho thú rừng. Ảnh: H.T

Tại Thừa Thiên Huế, việc này thời gian qua được chính quyền giám sát một cách chặt chẽ thông qua các Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ.

Bảo vệ ĐVHD thông qua Hue-S

Đại diện Tổ chức Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) nhìn nhận, Thừa Thiên Huế rất năng động trong việc ban hành các chính sách và hành động về quản lý ĐVHD nói riêng và quản lý bảo vệ rừng nói chung. Trong đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thể hiện quyết tâm thông qua các kế hoạch hành động rõ ràng bằng cách cùng WWF xây dựng, thực hiện kế hoạch hành động “TP. Huế không thịt thú rừng”.

Ông Đặng Văn Kiệm, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều biện pháp bảo vệ ĐVHD, cũng như kêu gọi người dân nói không với thịt thú rừng. Trong đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát, bảo tồn các loài ĐVHD, các loài chim trời. Tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bẫy các loài động vật rừng, các loài chim trời. Triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về việc không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo ĐVHD…

Chim quý Hồng hoàng được lực lượng kiểm lâm giải cứu và chăm sóc trước khi thả về tự nhiên. Ảnh: H.T

Theo ông Kiệm, đơn vị còn tăng cường tập huấn về quản lý, điều tra và xử lý vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD và tập huấn về vận hành chuyên mục “bảo vệ ĐVHD” thông qua hệ thống giám sát, điều hành Đô thị thông minh Hue-S cho các học viên đến từ các cơ quan liên quan như ngành thủy sản, chăn nuôi thú y, cảnh sát môi trường và các huyện, thị xã…

Theo thống kê từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã bắt giữ và xử lý 5 vụ vi phạm với số lượng 24 cá thể động vật rừng và 20 kg thịt heo rừng. Ngoài ra, có 21 cá thể sau xử lý tịch thu, chăm sóc khỏe mạnh đã được thả lại vào rừng tự nhiên. Liên quan đến những vụ việc, cơ quan xử phạt hành chính 16 triệu đồng và đang tiến hành củng cố hồ sơ khởi tố một số vụ án liên quan.

Tăng cường kiểm tra

Nhiều đoàn đến Huế học hỏi mô hình

Theo thống kê của WWF, đã có ít nhất 70 đoàn công tác của nhiều tỉnh thành khác đến học tập mô hình Hue-S. Đây là mô hình đoạt giải nhất châu Á do Hiệp hội các đô thị thông minh châu Á bình chọn. WWF cam kết sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Thừa Thiên Huế.

“Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm đã tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp động vật rừng. Qua đó, tiếp nhận 28 cá thể, có thể kể đến cá thể động vật rừng quý hiếm thuộc nhóm IIB như rùa sa nhân, rùa hộp trán vàng, kỳ đà vân, khỉ mặt đỏ…”, ông Kiệm chia sẻ.

Ông Kiệm cho rằng, dù thời gian qua đã thực hiện tốt việc ngăn chặn các hành vi vi phạm về bảo vệ ĐVHD, nhưng trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh vẫn tiếp tục kiểm tra ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về bảo vệ ĐVHD.

“Chúng tôi tiếp tục cho kiểm tra, thanh tra các cơ sở nuôi, kinh doanh ĐVHD về tuân thủ nguồn gốc hợp pháp, vệ sinh thú y, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan trong việc ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng mạng viễn thông, internet nhằm mục đích quảng cáo, mua bán mẫu vật ĐVHD bị cấm theo quy định của pháp luật…”, ông Kiệm khẳng định.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Ngân, cán bộ truyền thông Tổ chức WWF, thời gian tới, WWF sẽ hỗ trợ Thừa Thiên Huế thực hiện một chiến lược thay đổi hành vi hướng đến bảo tồn rừng, ĐVHD. Chiến lược này được xây dựng dựa trên tham khảo các tài liệu, báo cáo liên quan về nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; các nghiên cứu, kỹ thuật nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ở Việt Nam và thế giới; thu thập thông tin, số liệu, các nghiên cứu liên quan đến tình hình tiêu thụ ĐVHD ở Huế.

“Ngoài ra, WWF còn thực hiện nhiều biện pháp khác tại tỉnh nhà để bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm. Cụ thể, trực tiếp bảo vệ các loài trong các Khu Bảo tồn, Vườn quốc gia, rừng phòng hộ thông qua các hoạt động tăng cường thực thi pháp luật, giám sát đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững cho đến các hoạt động gián tiếp nhằm giảm thiểu áp lực tới rừng từ người dân…”, bà Ngân cho hay.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cử tri đề nghị tăng mức xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng

Sáng 12/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Phiên chất vất và trả lời chất vấn được đông đảo cử tri, nhân dân thành phố Đà Nẵng, tỉnh Ninh Thuận quan tâm theo dõi.

Cử tri đề nghị tăng mức xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng
Nói không với thịt thú rừng

Sự đa dạng sinh học đang bị đe dọa bởi nạn săn bắn, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD).

Nói không với thịt thú rừng
Vốn tín dụng chính sách ưu đãi: Cơ hội thay đổi cuộc đời

Ở thôn An Truyền (xã Phú An, Phú Vang), từ sự quan tâm của chính quyền địa phương và Ngân hàng chính sách xã hội huyện, có nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) tưởng chừng phải bỏ học giữa chừng, được “chắp cánh” bằng vốn vay chính sách, tiếp tục học hành. Những gia đình này còn đồng thời được vay vốn phát triển kinh tế, thay đổi cuộc đời.

Vốn tín dụng chính sách ưu đãi Cơ hội thay đổi cuộc đời

TIN MỚI

Return to top