|
Được trang bị kiến thức giúp phụ nữ, trẻ em xóa bỏ rào cản về các định kiến giới, bất bình đẳng giới |
Thay đổi nhận thức
Đứa con gái thứ 4 của chị H.T.N (thôn Lê Lộc 2, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới) năm nay 4 tuổi thì cũng chừng đó năm chị T.N sống trong buồn tủi. Bởi vì sinh mãi chẳng có con trai nên chị T.N. thường xuyên bị chồng chửi bới, thậm chí là đánh đập. Gia đình chồng dằn vặt, hắt hủi vì cho rằng chị chỉ biết "ăn với đẻ mà cũng không ra trò".
Khi con gái nhỏ đi học, chị T.N bắt đầu đi làm và được cán bộ Hội LHPN địa phương vận động tham gia các buổi sinh hoạt, tập huấn. Từ đó, chị bắt đầu biết đến những kiến thức về sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình... “Đã có 4 con, kinh tế gia đình hết sức khó khăn, nhưng chồng tôi vẫn một mực muốn tôi sinh thêm để có con trai...”, chị T.N. tâm sự.
Biết là nói cũng chẳng thay đổi được ý định của chồng và gia đình chồng nên chị T.N. đã tìm đến tổ truyền thông cộng đồng thôn, nhờ những người có tiếng nói, có uy tín ở địa phương tuyên truyền, can thiệp. Nhờ đó, chồng chị T.N. cũng dần từ bỏ ý định sinh cho bằng được con trai. Không những thế, chồng chị T.N. ngày càng chí thú làm ăn để lo cho các con gái được đi học đến nơi đến chốn.
Ông Hoàng Văn Chiến, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng thôn Lê Lộc 2, xã Hồng Bắc cho biết: Trong thôn cũng có rất nhiều trường hợp gia đình sinh 3-4 con gái, nhưng vẫn có ý định sinh thêm để có con trai. Với những trường hợp như vậy, chúng tôi phải thường xuyên tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng để khuyên răn. Nhưng để công tác tuyên truyền luôn đạt hiệu quả, xóa bỏ các định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới thì phụ nữ và trẻ em gái cần được trang bị kiến thức để thay đổi nhận thức, sẵn sàng đứng lên phản kháng, tìm đến những địa chỉ tin cậy để được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.
Đến hành động
Vợ thường đi làm về muộn, nên anh Võ Ngọc Vinh ở phường Phú Thượng, TP. Huế là người đón con tan học và nấu bữa tối, cho hai con gái ăn uống, tắm rửa. Nhìn sự ân cần của anh Vinh khi cột tóc cho các con gái, mới thấy cuộc sống của gia đình nhỏ thật bình yên.
Hai vợ chồng anh Vinh đều làm công việc tự do, nhưng chưa bao giờ anh Vinh có ý định sinh thêm con chỉ vì chưa có con trai. Bởi với anh Vinh, con nào cũng quý, miễn là lo cho con được ăn học đàng hoàng. “Thỉnh thoảng bạn bè cũng hay đùa tôi "đẹp trai nhất nhà", nhà toàn “vịt giời” nhưng tôi chẳng để tâm. Có đủ nếp đủ tẻ thì vui, mà có hai con gái tôi cũng chẳng buồn. Nhìn các con vui vẻ, mạnh khỏe lớn lên là tôi hạnh phúc rồi. Mẹ tôi cũng vậy, bà rất yêu quý các cháu gái và chưa bao giờ muốn vợ tôi phải sinh thêm để có con trai. Điều tôi quan tâm là cả hai vợ chồng phải nỗ lực lao động để phát triển kinh tế gia đình, cho các con cuộc sống ấm no”, anh Vinh bộc bạch.
Thực tế, định kiến giới vẫn đang tồn tại, len lỏi trong các gia đình, cộng đồng, tác động đến mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh sống. Muốn xóa bỏ định kiến giới, việc tuyên truyền, cung cấp những kiến thức về bình đẳng giới cần có sự chung tay của các cơ quan, đoàn thể...; không chỉ giúp phụ nữ có kiến thức, trao quyền cho phụ nữ để tự bảo vệ bản thân khi cần thiết, mà cần tăng cường vai trò của nam giới trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới.
Bà Trần Thị Kim Loan, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Xóa bỏ định kiến giới, bất bình đẳng giới là một “cuộc chiến” cần thay đổi từ nhận thức đến hành động. Việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới được triển khai sâu rộng trong các cấp hội. Trao quyền cho phụ nữ, phụ nữ làm chủ kinh tế cũng là một cách nâng cao vai trò của nữ giới trong gia đình và xã hội. Hội LHPN đã và đang có nhiều hoạt động như giúp đỡ phụ nữ khởi nghiệp, trao sinh kế... để đồng hành, giúp hội viên tự tin hơn trong quá trình làm chủ chính mình.
Song song, Hội LHPN tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai có hiệu quả các hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” để tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em. Đồng thời, trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng.
|
Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 5 chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; 174 buổi tuyên truyền, truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống mua bán người; giáo dục nâng cao nhận thức về làm mẹ an toàn, về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc sức khỏe trẻ em; nâng cao năng lực cho ông bố, bà mẹ đồng hành cùng con trên không gian mạng... Hàng trăm ngàn lượt hội viên, phụ nữ và người dân tại cộng đồng được tiếp cận các chính sách, được trang bị các kỹ năng cần thiết nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao chất lượng dân số. |