Được đào tạo nghề và giải quyết việc làm là nhu cầu cấp thiết và đáng được ưu tiên dành cho bộ đội xuất ngũ
Sau khi hoàn thành xong nghĩa vụ trở về địa phương, Nguyễn Văn Tuấn Kiệt, ở xã Phong Mỹ (Phong Điền) cầm "Thẻ học nghề" đến Trường cao đẳng Nghề số 23-Bộ Quốc phòng để đăng ký tham gia học nghề, với mong muốn kiếm được việc làm ổn định. Tuy nhiên, Tuấn Kiệt nhận được câu trả lời từ phía nhà trường là theo quy định mới, từ năm 2022, trường không còn chức năng đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ. Kiệt lại cầm tấm thẻ học nghề, kèm hồ sơ đăng ký học bằng lái ô tô tại Trường cao đẳng Giao thông vận tải Huế. Mặc dù được nhận học, nhưng em lại không được thanh toán học phí theo thẻ học nghề mà đáng lý em phải được hưởng.
Đem thắc mắc này hỏi nhà trường và đến hỏi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Kiệt nhận được câu trả lời chưa có kinh phí "rót về" để hỗ trợ giải quyết những trường hợp học nghề theo thẻ học viên cho bộ đội xuất ngũ. Gia đình em phải chi nộp hơn 13 triệu đồng để em theo học bằng lái ô tô.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, phụ huynh em Tuấn Kiệt chia sẻ: Đây là chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ và trường hợp như con trai ông đủ điều kiện được hưởng nhưng lại phải nộp hoàn toàn các khoản tiền học thì quá vô lý và rất thiệt thòi cho bản thân Kiệt cũng như gia đình.
Trường hợp khác, ông Nguyễn Thanh B., ở phường Vỹ Dạ, TP. Huế cũng phản ánh và thắc mắc việc "Thẻ học nghề" cho bộ đội xuất ngũ năm 2022 của con ông có nguy cơ "hết tác dụng", "hết hạn" vì không trường nào tiếp nhận giải quyết đào tạo nghề theo nguyện vọng của con mình.
Về những phản ánh kiến nghị việc đăng ký học nghề trình độ sơ cấp qua thẻ học nghề cho bộ đội xuất ngũ năm 2022 nhưng chưa được giải quyết cũng đang là vấn đề được UBND tỉnh và ngành LĐTB&XH rất quan tâm, nhất là liên quan đến ngân sách để triển khai công tác đào tạo nghề năm 2022 cho những đối tượng này.
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục nghề nghiệp - Sở LĐTB&XH, từ năm 2016 đến 2019, hằng năm trên địa bàn hỗ trợ đào tạo nghề cho từ 600-750 bộ đội xuất ngũ. Riêng năm 2020 và năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên số lượng bộ đội xuất ngũ được đào tạo nghề chỉ từ 300- 400 người. Các học viên được đào tạo các ngành nghề chủ yếu, như: lái xe, hàn, điện, kỹ thuật máy móc tại Trường cao đẳng Nghề số 23 - Bộ Quốc phòng và một số cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn.
Từ năm 2022, sau khi Trường cao đẳng nghề số 23- Bộ Quốc phòng không đảm nhận nhiệm vụ đào tạo cho thanh niên xuất ngũ, Sở LĐTB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 140 ngày 5/4/2022 về việc hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện năm 2022. Đồng thời, Sở đã tham mưu UBND tỉnh có Công văn số 7209 ngày 12/7/2022 gửi Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH bố trí kinh phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên xuất ngũ với số tiền hơn 9,13 tỷ đồng theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015 của Chính phủ. Tuy nhiên, sau thời gian chờ đợi, đến ngày 5/8/2022, Bộ Tài chính đã có Công văn số 7805 hướng dẫn UBND tỉnh chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên.
Hiện nay, Sở LĐTB&XH đang khẩn trương yêu cầu các trường nghề, cơ sở đào tạo nghề rà soát lại số lượng thẻ và ngành nghề đăng ký học nghề của thanh niên để gửi Sở Tài chính thẩm định trước khi Sở LĐTB&XH báo cáo, trình UBND tỉnh phê duyệt nguồn kinh phí khoảng 6 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ. Sau khi UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách cho hoạt động này, Sở LĐTB&XH sẽ triển khai thực hiện việc đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ theo Kế hoạch 140 ngày 5/4/2022 của UBND tỉnh với các nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là thẻ học nghề cho bộ đội xuất ngũ học nghề ở trình độ sơ cấp nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu tại thời điểm học nghề và có giá trị trong 1 năm kể từ ngày cấp thẻ. Nên, nếu cứ chờ đợi các trường xây dựng kế hoạch và để được bố trí ngân sách thì không biết lúc nào những đối tượng bộ đội xuất ngũ có thẻ học nghề được hưởng đúng và kịp thời quyền lợi của mình.
Trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.000 quân nhân xuất ngũ. Vốn dĩ con số được đào tạo nghề thực tế lâu nay đã thấp, thì trước tình trạng chờ "giải ngân" kinh phí lại càng gây thiệt thòi cho nhiều bộ đội xuất ngũ có nhu cầu học nghề. Nhiều gia đình đề xuất, cơ quan chức năng nên linh động, xem xét gia hạn hưởng chế độ "Thẻ học nghề" để tránh thiệt thòi cho bộ đội xuất ngũ, đảm bảo thực hiện theo tinh thần chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước để tạo điều kiện học nghề, việc làm cho những người hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG