ClockChủ Nhật, 04/09/2016 05:16

Doanh nghiệp “săn đón” bộ đội xuất ngũ

TTH - Được rèn luyện qua quân ngũ, sức khỏe, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, lực lượng lao động là bộ đội xuất ngũ luôn được thị trường lao động săn đón. Trong vòng 5 năm, toàn tỉnh có hơn 6.000 bộ đội xuất ngũ được đào tạo các ngành công nghiệp, có công ăn việc làm ổn định.

Đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ

Tác phong công nghiệp cao

Xu hướng tuyển dụng lao động hiện nay của các ngành công nghiệp, kỹ thuật là sử dụng lao động có tay nghề. Quá trình được rèn luyện, trưởng thành trong môi trường quân ngũ chính là một lợi thế dễ “ghi điểm” của bộ đội xuất ngũ trong mắt nhiều nhà tuyển dụng. Nhiều doanh nghiệp đặt hàng, phối hợp với trường nghề để đào tạo, cung ứng lao động có chất lượng. Bà Lý Ngọc Dung, Giám đốc Công ty Long Khánh cho rằng: Doanh nghiệp muốn tuyển lao động là bộ đội xuất ngũ vì họ có sức khỏe, tính kỷ luật được rèn giũa trong quân đội. Họ thường đi làm đúng giờ, giúp quy trình sản xuất đúng nhịp độ và doanh nghiệp bớt thiệt hại kinh tế. Đây đã là điểm hơn hẳn nhiều lao động trẻ khác.

Nhà tuyển dụng khá tinh tường, trong khi, nhiều bạn trẻ mới xuất ngũ lại bỡ ngỡ với việc chọn nghề trong thị trường việc làm. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự họ được nhận một thẻ học nghề có giá trị 12 tháng lương cơ bản. Họ có quyền lựa chọn ngành nghề học theo khả năng và sở thích. Không ít quân nhân xuất ngũ có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu làm nghề nông, trình độ học vấn hạn chế, tâm lý e ngại học nghề xong không xin được việc làm. Có người  thiếu sự tư vấn  nên thích gì học nấy, chưa có sự định hướng ngành nghề đào tạo rõ ràng. Lê Thanh Bằng ở Thủy Phương (Hương Thủy) thừa nhận: Chúng tôi được đơn vị giới thiệu học nghề sau khi xuất ngũ nhưng rất băn khoăn. Sinh viên ra trường còn khó tìm việc, liệu chúng tôi học nghề thì có cơ hội để có việc làm không? Tôi muốn xin vào làm bảo vệ vì phù hợp với nhiều đặc thù từng có trong thời kỳ quân ngũ. 

Hướng dẫn học viên lái xe múc 

Tiếp cận với máy móc hiện đại

Nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động và khó khăn của bộ đội xuất ngũ, Trường cao đẳng nghề 23 – Bộ Quốc phòng tổ chức nhiều buổi định hướng nghề nghiệp, tư vấn giới thiệu cho các bộ đội về cơ hội học nghề.  Nhà trường tiến hành chiêu sinh bộ đội xuất ngũ tại Bộ CHQS các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và các đơn vị Sư đoàn 968, Sư đoàn 324, Lữ đoàn 414, Lữ đoàn 283…Nhà trường khảo sát, trao đổi với các cơ sở sản xuất để chỉnh sửa chương trình đào tạo phù hợp, bảo đảm người học được trang bị kỹ năng, tác phong công nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Chương trình được đào tạo nghề theo mô đun và chứng chỉ. Thế nên, không nhất thiết phải tuyển sinh đủ học viên mà có thể dạy một nhóm từ 5 đến 7 người. Phương pháp dạy học gắn thực hành, thực tập với sản xuất dịch vụ tại trường và các cơ sở sản xuất, công trường. Học viên sẽ được rèn luyện tay nghề sát với thực tế sản xuất. Cơ sở vật chất, phòng học chuyên dùng, nhà xưởng, trang thiết bị từng bước được nâng cấp, đảm bảo nguồn  nguyên vật liệu cho thực hành; trong đó, các nghề trọng điểm, như: công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, điện - điện tử, cơ khí - hàn, sửa chữa xe máy, lái xe ô tô, vận hành máy thi công nền.. được ưu tiên trang bị đồng bộ, hiện đại. Hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại  vào dạy học, dạy nghề được hưởng ứng mạnh mẽ. Nhờ vậy, học viên nắm chắc kiến thức, tính năng, cấu tạo của các phương tiện...vừa tạo được nguồn cơ sở vật chất cho quá trình dạy – học, tiết kiệm kinh phí cho nhà trường hàng tỷ đồng.

Trong 6 năm, Trường cao đẳng nghề 23 – Bộ Quốc phòng đào tạo trên 12.000 học sinh, sinh viên, trong đó có trên 6.000 bộ đội xuất ngũ. Học viên là bộ đội xuất ngũ tốt nghiệp ra trường phần lớn tìm được việc làm ổn định, chủ yếu là các ngành nghề điện dân dụng, điện công nghiệp, vận hành xe máy công trình, công nghệ ô tô, sửa chữa máy vi tính… Mỗi khóa học, trên 90% học viên có việc làm, mức lương trung bình từ 4 đến 9 triệu đồng/người/ tháng. Anh Vũ Thành Long (TP. Huế) cho biết: Sau khi xuất ngũ tôi được cấp thẻ học nghề và được tư vấn nghề hàn bậc cao. Tôi đã được Trung tâm Đào tạo nghề quốc tế giới thiệu việc làm tại công ty sửa chữa đóng tàu Saigon Shipyard với công việc phù hợp với nghề đã học và có thu nhập ổn định.

Đại tá Lê Quang Bình, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề 23 – Bộ Quốc phòng cho biết: Nhà trường đưa vào sử dụng khu thể thao, khánh thành khu ký túc xá bảo đảm nơi ở nội trú cho gần 400 học viên là bộ đội xuất ngũ và con em đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi năm, nhà trường đạt doanh thu khoảng 20 tỷ, chúng tôi tái đầu tư trang bị máy móc khoảng 10 tỷ đồng/ năm. Ngoài ra, Nhà trường mua sắm trang thiết bị và xây dựng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí của Bộ Quốc phòng để đào tạo thêm 5 ngành kỹ thuật cao, nhà trường tiếp tục khảo sát, nắm bắt tình hình nhu cầu lao động, mở thêm các ngành nghề đào tạo, cung ứng kịp thời về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn và khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Huế Thu

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Từ 1/1/2025: Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

Doanh nghiệp (DN) sẽ không tốn bất kỳ khoản phí và lệ phí nào liên quan thủ tục cập nhật thông tin địa giới hành chính của DN. Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị My My, Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư với Báo Thừa Thiên Huế. Bà My cho biết thêm:

Từ 1 1 2025 Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

TIN MỚI

Return to top