ClockThứ Năm, 16/05/2019 06:15

Ảnh hưởng mỏ đá Thượng Long: Đơn vị khai thác thiếu thiện chí

TTH - Gần 2 ha lúa và hoa màu, hàng trăm cây cao su, keo tràm và ao nuôi cá cùng đường dân sinh của dân bị ảnh hưởng bởi mỏ đá thuộc Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh (Công ty Trường Thịnh), nhưng đơn vị khai thác thiếu thiện chí khắc phục khiến người dân và chính quyền xã Thượng Long, huyện Nam Đông “kêu cứu” đến Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh.

Ảnh hưởng do mỏ đá Thượng Long: Đền bù chưa triệt để

Tại công trường khai thác đá của Công ty Trường Thịnh

Cuộc sống đảo lộn

Năm 2015, Công ty Trường Thịnh được cấp mỏ đá với diện tích hơn 2ha ở thôn 5 xã Thượng Long nhằm phục vụ thi công tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan. Khi mỏ đá đi vào hoạt động, cuộc sống của hàng chục hộ dân đảo lộn. Cụ thể, gần 2ha đất trồng lúa và hoa màu của hàng chục hộ dân các thôn 5, 6 và 7 tại đồng khe Biêng cạnh mỏ bị đất đá trong quá trình khai thác bồi lấp, làm toàn bộ đất trồng lúa, hoa màu của dân phải bỏ hoang hơn 2 năm nay.

Chị Trần Thị Pái (trú thôn 7, xã Thượng Long) cho hay, nhà chị có hơn 2 sào ruộng ở gần mỏ đá, đã hai vụ lúa không sản xuất được vì bị đất đá vùi lấp. Hơn 1 năm nay chị phải đi làm nghề khác, kiếm tiền đong gạo. Sau 3 năm, phía công ty chỉ mới hỗ trợ 10 triệu đồng gọi là chi phí lúa giống cho gia đình chị, trong khi với diện tích trên, mỗi năm gia đình chị canh tác 2 vụ, thu nhập gấp nhiều lần. Tượng tự, ông Hồ Văn Mãi ở thôn 7 cũng có gần 800m2 đất trong khu vực khe Biêng không sản xuất được.

Hàng ngày, hoạt động nổ mìn ở mỏ đá khiến các hộ dân sống xung quanh lo sợ, nhà cửa thì nứt nẻ. Không chỉ ô nhiễm khói, bụi; nguồn nước sinh hoạt của dân cũng bị ảnh hưởng. Nước thải theo mưa tràn ra xung quanh khiến việc nuôi cá của các hộ dân gần đó cũng sống dở chết dở. “Công ty có thông báo thời gian nổ mìn phá đá vào buổi trưa và buổi chiều, nhưng cứ mỗi lần mìn nổ là mặt đất chấn động như có động đất, nhà cửa chao đảo. Tôi sợ quá nên cứ đến buổi trưa là phải bảo con cái chạy ra khỏi nhà đề phòng nhà sập”, ông Hồ Văn Ngừa, người dân sống gần mỏ khai thác đá của Công ty CP Trường Thịnh bức xúc.

Việc vận chuyển đá, sỏi từ mỏ đi nơi khác cũng là vấn đề. Xe ben “quá khổ, quá tải” chất đầy sỏi đá hàng ngày lưu thông khiến con đường dân sinh của địa phương bị “cày nát”, đi lại nguy hiểm. 

Công ty thiếu thiện chí

Ông Trần Văn Trĩ, Chủ tịch UBND xã Thượng Long cho biết: Phía chính quyền đã nhiều lần làm việc với đại diện Công ty Trường Thịnh. Tuy nhiên, mỗi lần làm việc, Công ty lại cử một đại diện khác nhau nên khó khăn trong việc thống nhất mức giá đền bù. Mới đây, xã gửi tờ trình phản ánh sự việc đến UBND huyện và UBND tỉnh. "Chúng tôi muốn Công ty sớm đền bù và khắc phục các hậu quả đã xảy ra để người dân ổn định cuộc sống như trước”, ông Trĩ nói. Người dân quá bức xúc vì chờ lâu chưa được hồi đáp, đã làm đơn gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh.

Đoàn ĐBQH tỉnh do Phó Trưởng đoàn là ông Nguyễn Chí Tài đã làm việc với các bên liên quan, trong đó có đại diện Công ty Trường Thịnh và đã thống nhất một số nội dung.

Trước hết, Công ty Trường Thịnh khẩn trương hoàn trả mặt bằng sản xuất cho người dân và tiến hành khơi thông khe dẫn nước do đất đá vùi lấp trong quá trình khai thác mỏ đá Thượng Long nhằm đảm bảo cung cấp nước cho người dân sản xuất. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng yêu cầu Công ty Trường Thịnh thi công hoàn trả mặt bằng tuyến đường bê tông dẫn vào mỏ khai thác đá trước ngày 30/5/2019. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết các kiến nghị của người dân về các vấn đề liên quan đến quá trình khai thác, vận chuyển đá của công ty.

Đã 2 tháng trôi qua, đến thời điểm ngày 9/5, chúng tôi có mặt tại mỏ đá xã Thượng Long, cả người dân lẫn chính quyền xã đều cho biết chưa có động thái nào từ Công ty Trường Thịnh về việc hoàn trả mặt bằng đất sản xuất, làm lại đường dân sinh ngoài những khoản hỗ trợ rất nhỏ cho người dân về việc ngưng sản xuất của gần 20 hộ gia đình trên diện tích gần 2ha cạnh mỏ đá.

Chủ tịch UBND xã Thượng Long, ông Trần Văn Trĩ cho biết, lãnh đạo Công ty Trường Thịnh từ trước đến nay không hợp tác với chính quyền địa phương và tỏ ra thiếu thiện chí trong những lần làm việc với địa phương để phối hợp giải quyết. “Đề nghị cấp có thẩm quyền kiên quyết, có giải pháp mạnh để công ty có trách nhiệm với người dân”- ông Trĩ bức xúc. 

Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông thông tin: Sau khi đã hết thời hiệu khai thác mỏ (cuối năm 2018), phía Công ty Trường Thịnh cho biết đã xin UBND tỉnh gia hạn đến tháng 6/2019. Tuy nhiên, ông Phụng cho rằng không biết đã được gia hạn hay không!?. Đồng thời, khẳng định công ty cố ý chây ỳ và kéo dài thời gian hỗ trợ tiền và san lấp mặt bằng hoàn thổ, làm đường cho dân. Chúng tôi sẽ làm việc lại với đại diện công ty để có phương án đền bù, hỗ trợ cụ thể cho người dân theo hướng tính dự toán chi phí sản xuất từng mùa vụ để có con số đền bù thỏa đáng. Về lâu dài, buộc công ty hoàn thổ, cải tạo mặt bằng để người dân ổn định sản xuất và làm lại con đường hơn 1km nói trên.

Bài, ảnh: Thái Sơn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng du lịch đường sông

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng du lịch đường sông ở Huế phát triển vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tài nguyên hiện có. Thiếu dịch vụ, hạ tầng giao thông, thiếu liên kết trong phát triển du lịch đường sông là những trở lực khiến du lịch đường sông chưa thể bứt phá.

Khai thác tiềm năng du lịch đường sông
Chuyển đổi từ cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền” để quản lý, khai thác tài sản công hiệu quả

Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, từ cơ chế Chính phủ, bộ, cơ quan Trung ương, HĐND cấp tỉnh “phân cấp” thẩm quyền sang cơ chế phân quyền cho Chính phủ, bộ, cơ quan Trung ương, HĐND cấp tỉnh “quy định” thẩm quyền nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Chuyển đổi từ cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền” để quản lý, khai thác tài sản công hiệu quả
Return to top