ClockThứ Ba, 07/09/2021 06:30

Cần di dời cơ sở sản xuất gốm đến vùng có quy hoạch

TTH - Dù quá trình sản xuất chưa gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh, nhưng về lâu dài cơ sở sản xuất gốm của Công ty TNHH MTV Đồng Tâm Hiệp Lực cần di dời ra khỏi khu dân cư, đến vùng có quy hoạch để đảm bảo các yếu tố an toàn, phòng, chống cháy nổ.

Ô nhiễm và tiếng ồn ở xưởng cơ khí HKT: Cần được di dời

Việc chưa có địa điểm phù hợp đang gây ra những bị động trong định hướng phát triển các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp

Đang trong quá trình sản xuất thử nghiệm

Báo Thừa Thiên Huế vừa nhận đơn phản ánh, cơ sở sản xuất gốm tại địa chỉ 302 Phò Trạch, thị trấn Phong Điền của Công ty TNHH MTV Đồng Tâm Hiệp Lực gây ô nhiễm môi trường, gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân sống xung quanh.

Quá trình xác minh cho thấy, cơ sở sản xuất gốm này nằm trong khu dân cư, không phù hợp với quy hoạch; chưa được một cơ quan nào cấp phép hoạt động, chưa có hệ thống phòng, chống cháy nổ theo quy định. Đây cũng là lý do mà giữa tháng 8/2021, Công an huyện Phong Điền đã kiểm tra, buộc cơ sở dừng hoạt động và yêu cầu hoàn thiện hệ thống phòng, chống cháy nổ.

Đó là những yêu cầu về pháp lý mà cơ sở này chưa đảm bảo. Nhưng quá trình xác minh đơn thư, chúng tôi nhận thấy sự việc nêu trong đơn có nhiều tình tiết không đúng với thực tế.

Trước hết, người dân sống xung quanh cơ sở sản xuất gốm khẳng định không có gửi đơn “cầu cứu” đến các cơ quan chức năng, vì trên thực tế cơ sở sản xuất này không gây ảnh hưởng đến đời sống của họ. Thứ hai, đơn thư có những tình tiết cho rằng cơ sở này khai thác khoáng sản trái phép khắp nơi, nhưng tất cả nguồn nguyên liệu đất sét để làm gốm của cơ sở được mua tại Quảng Bình, có hóa đơn, chứng từ đầy đủ...

Ông Hoàng Công Vu, Tổ trưởng tổ dân phố Khánh Mỹ tỏ ra ngạc nhiên: “Chúng tôi rất bất ngờ và bất bình với đơn thư này. Tổ dân phố không nhận bất kỳ phản ánh nào của người dân. Người dân cũng xác nhận hoàn toàn không gửi đơn thư. Đã có sự lợi dụng danh nghĩa ở đây. Quá trình sản xuất của cơ sở này lâu nay không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Không những thế còn tạo được công ăn việc làm cho một số hộ dân sống xung quanh”.

Ông Phạm Xuân Hồng, chủ cơ sở sản xuất gốm 302 Phò Trạch cho biết, do điều kiện vật chất, con người, thị trường còn hạn chế và quy hoạch làng nghề thủ công truyền thống của địa phương chưa có, nên cơ sở chỉ đầu tư triển khai thử nghiệm với quy mô nhỏ (280m2). Mục đích vừa làm vừa học hỏi rút kinh nghiệm. Cơ sở cũng đã có đơn xin phép sản xuất thử nghiệm đến các cơ quan chức năng trong quá trình chờ đợi có khu quy hoạch (từ năm 2019 đến nay). Về quá trình sản xuất, cơ sở đầu tư hệ thống nung gốm bằng ga, đây là công nghệ sản xuất tiên tiến, đảm bảo yếu tố môi trường nhất hiện nay, chứ không phải thủ công bằng than, củi thải ra lượng khói lớn.

Cần có phương án di dời phù hợp

Dù quá trình sản xuất không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh, nhưng về lâu dài, cơ sở này cần được di dời đến nơi có quy hoạch, để đảm bảo môi trường, an toàn cháy nổ. Phía chủ cơ sở cũng rất mong muốn cơ quan chức năng cho thuê, hay hướng dẫn khu vực phù hợp, đúng quy hoạch. Khi có vị trí thuận lợi, cơ sở sẽ di dời đến địa điểm mới ngay.

Ông Nguyễn Khoa Khương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Điền cho biết, trước đây thị trấn có quy hoạch một khu vực tiểu thủ công nghiệp. Mới đây, trong quy hoạch mới về phát triển chung của đô thị Phong Điền, địa điểm khu vực dành cho tiểu thủ công nghiệp đã không còn. Hiện tại, trên địa bàn thị trấn không có địa điểm để các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp làm nơi sản xuất. Đây là cái khó cho doanh nghiệp lẫn địa phương trong giải quyết cho người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng Bá Nghiễm, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phong Điền, trước đây huyện có quy hoạch một số khu vực để làm nơi sản xuất tập trung của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống trong huyện. Nhưng qua một thời gian dài không có cá nhân, cơ sở nào đăng ký nên bỏ các quy hoạch này. Đối với cơ sở sản xuất gốm ở 302 Phò Trạch, sẽ có 2 địa điểm có thể di dời đến. Đó là ở làng cổ Phước Tích và Khu công nghiệp Phong Điền.

Tuy nhiên, ở cả hai địa điểm này cho thấy chưa phù hợp, rất khó cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nói chung và cơ sở gốm 302 Phò Trạch nói riêng. Ở Phước Tích hướng sản xuất mang bảo tồn, trải nghiệm cho du khách, về quy mô sẽ khó mở rộng. Trong khi đó, ở Khu công nghiệp Phong Điền, để vào sản xuất cần một số vốn lớn để thuê đất, lập đề án, đầu tư hạ tầng… với những cơ sở nhỏ lẻ rất khó để vào khu công nghiệp.

Có thể thấy, các phương án được đưa ra chưa mang tính khả thi. Trong khi đó, việc di dời cơ sở sản xuất gốm ở 302 Phò Trạch là điều bắt buộc. Đây là bài toán cần được huyện Phong Điền giải quyết sớm. Không chỉ đối với cơ sở sản xuất gốm trên mà đối với những làng nghề, tiểu thủ công nghiệp khác trong toàn huyện. Ở khía cạnh bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, cần tạo điều kiện hơn để các cá nhân, doanh nghiệp mở rộng quy mô, phát triển, làm sống lại nghề truyền thống.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ sở của niềm tin

Thời gian qua, dù có sự thay đổi trong ban lãnh đạo cấp cao, Đảng và Nhà nước ta vẫn kiên quyết, kiên trì, chủ động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cơ sở của niềm tin
Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ an ninh thôn, luôn tận tâm, nhiệt huyết với công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở, anh Đoàn Văn Rinh - chàng trai 9X người Tà Ôi ở vùng cao A Lưới vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Tròn vai

Năng động, nhiệt tình, tận tâm, giao tiếp tốt bằng tiếng Nhật là lợi thế giúp ông Lê Quý Hoàng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH MSV làm tròn vai người “thủ lĩnh” công đoàn từ nhiều năm nay.

Tròn vai

TIN MỚI

Return to top