ClockThứ Tư, 24/02/2016 06:57
TRANH CHẤP TẠI NHÀ THỜ HỌ NGÔ ĐÌNH (THỦY BIỀU, TP HUẾ):

Hai bên cần ngồi lại tìm hướng giải quyết

TTH - Họ Ngô Đình lập hợp đồng thỏa thuận cho vợ chồng ông Ngô Em (tức Hiệp, người trong họ) thuê đất của nhà thờ họ (74 Nguyệt Biều, phường Thủy Biều, TP Huế) từ năm 2000 trong thời hạn 15 năm vừa chăm nom nhà thờ vừa lập vườn để mưu sinh. Vậy nhưng hết thời hạn trên, khi vườn cây thanh trà do gia đình ông Em trồng trọt, chăm sóc đang đến kỳ “bội thu” thì họ Ngô Đình ra “tuyên bố” ngừng cho gia đình ông Em thuê, nhưng không hỗ trợ về công lao trồng và chăm sóc, khiến gia đình ông Em bức xúc.

Công lao lập vườn

Theo ông Em, sau trận lũ lịch sử năm 1999, vườn của họ Ngô Đình bị san lấp do đất cát, tất cả các cây trồng chết hàng loạt. Năm 2000, tại cuộc họp họ Ngô Đình, gia đình ông được tín nhiệm cho xây nhà ở trên khuôn viên đất của nhà thờ họ và được phép lập vườn. Mỗi năm, gia đình ông phải đóng góp cho họ số tiền là 200.000 đồng. Ông Em khẳng định, trước khi ông lập vườn, tại đất của nhà thờ họ chỉ còn lại 4 cây thanh trà (sau đó chết 2 cây), 2 cây mít, 2 cây mứt, và 1 bụi tre cán giáo. Năm 2007, họ Ngô đưa lên thêm 3 cây sao giống và tự ông cùng người trong họ trồng. Quá trình lên ở và lập vườn, gia đình ông đã bỏ công suốt nhiều năm trời trồng và chăm sóc vườn cây thanh trà và các cây khác. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số cây gia đình ông đã trồng, chăm bón là 43 cây thanh trà, 35 cây trầm dó, một số cây chuối, cây tiêu…

Ông Hoàng Trọng Thị (109 Nguyệt Biều) và bà Hoàng Thị Sáo (105 Nguyệt Biều) là những người dân sống xung quanh nhà thờ họ Ngô Đình xác nhận, sau lụt năm 1999, cây cối tại nhà thờ họ Ngô Đình bị hư hại, cát bồi lấp hết. Sau khi vợ chồng ông Em về sống đã trồng trọt lại cây cối trong vườn, trong đó thanh trà là chủ yếu. Vườn nhà thờ họ Ngô Đình có được như ngày hôm nay là nhờ công lao của gia đình ông Em.

Ông Ngô Đình Tài, người dân trong họ, trú tại thôn Buồng Tằm, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy khẳng định: Nhà thờ họ Ngô Đình sum suê cây trái như ngày hôm nay là nhờ công lao lớn của gia đình ông Em. Trước khi gia đình ông Em về ở, đất của nhà thờ chỉ lác đác vài cây do trận lũ năm 1999 tàn phá. Hàng năm họ họp mặt 2 lần tại nơi đây. Trong thời gian ông Em sống, lập vườn, cả họ không có ý kiến gì về việc thu hồi đất. Nay, họ họp mặt yêu cầu gia đình ông Em phân chia tỷ lệ ăn chia vườn là 4/6 (họ hưởng 4 phần, gia đình ông Em hưởng 6 phần), nhưng gia đình ông Em không đồng ý. Tại cuộc họp, gia đình ông Em yêu cầu phân chia theo tỷ lệ 3/7 (họ hưởng 3 phần, gia đình ông Em hưởng 7 phần), nhưng 6 thành viên trong họ, trong đó có ông Ngô Đình Thanh, tộc trưởng không đồng ý và yêu cầu thu hồi đất vườn, nhưng không xem xét đến việc hỗ trợ, đền bù công lao trồng trọt, chăm sóc của gia đình ông Em…

Không thể để gia đình ông Em thiệt

Hợp đồng thỏa thuận giữa họ Ngô Đình và gia đình ông Em vào ngày 18/11/2000 nêu rõ: Gia đình ông Em chỉ được trồng cây lập vườn không được chặt phá tùy tiện. Nếu gia đình ông Hiệp (tức Em) thực hiện đầy đủ hợp đồng và làm tốt, đến khi hết hạn họ sẽ họp lại, ưu tiên ông Hiệp được tiếp tục hợp đồng. Nếu không sẽ hủy bỏ hợp đồng để xét cho người khác thuê.

Ông Em khẳng đình: Hàng năm ông đều đóng góp cho họ đầy đủ theo hợp đồng. Nay không hiểu lý do gì, họ Ngô lại khăng khăng không cho gia đình ông được tiếp tục hợp đồng. Theo ông Em, năm 2010, gia đình ông mới thu hoạch trái thanh trà đầu mùa. Mỗi năm thu nhập từ vườn thanh trà từ 5 triệu đến 30 triệu đồng. Nay, công sức, tiền bạc gia đình ông bỏ ra lập vườn chưa lấy lại hết được thì họ Ngô lại lấy lại đất, không cho thuê nữa. Trong khi đó, không hỗ trợ, đền bù cho gia đình ông số cây mà ông đã bỏ công chăm sóc bấy lâu nay.

Ông Đặng Văn Ngân, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Biều cho biết, liên quan đến vấn đề tranh chấp cây cối tại nhà thờ họ Ngô Đình, UBND phường đã có 2 buổi hòa giải vào các ngày 20/8/2015 và 29/1/2016. Qua các buổi hòa giải, giữa 2 bên không thống nhất. Phía gia đình ông Em cho rằng, nếu họ Ngô không tiếp tục cho gia đình ông thuê đất vườn nhà thờ họ thì phải bồi thường tài sản trên đất. Đại diện họ Ngô Đình có ông Ngô Đình Thanh, tộc trưởng và ông Ngô Đình Nghĩa thành viên trong họ không thống nhất cho gia đình ông Em thuê lại vì hợp đồng đã hết hiệu lực. Đại diện họ Ngô cho rằng, cây cối trong nhà thờ có được là nhờ thành quả tạo nên của con em trong họ, do đó yêu cầu gia đình ông Em trả lại đất và tài sản trên đất cho họ Ngô. Ông Ngân khẳng định: Cây cối ai trồng thì UBND phường không thể biết được. Chức năng của phường chỉ là hòa giải, nhưng do hòa giải không thành nên UBND phường đã yêu cầu gia đình ông Em gửi đơn đến TAND TP Huế để được xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Thiết nghĩ, công lao của gia đình ông Ngô Em tạo lập nên vườn cây nhà thờ họ Ngô Đình là đã rõ và được nhiều người dân xung quanh và trong họ chứng thực. Thành quả lao động này phải được họ Ngô Đình ghi nhận. Hai bên nên ngồi lại để thỏa thuận, tránh xung đột xảy ra, bởi tranh chấp cây cối là người trong cùng một họ. Chính quyền đia phương cần giám sát để không xảy ra mất an ninh trật tự trong khu vực.

Hải Huế

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top