Cây bưởi còn sót lại trong dự án vay vốn trồng cây có múi của hộ gia đình ông Đăng sau bão, lũ năm 2020
Mất trắng khi sắp thu hoạch
Ông Hoàng Thành Đăng, thôn Phú Kinh Phường cho biết: Năm 2017, gia đình ông (lúc đó thuộc thôn Phú Kinh Phường thuộc xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) thuộc diện hộ cận nghèo, được Dự án “Hạnh phúc Quảng Trị” do KOICA (Hàn Quốc) viện trợ cho “mượn” 100 triệu đồng để trồng bưởi, thanh trà.
Sau khi triển khai dự án ông đã đầu tư khoảng 85 triệu đồng mua giống, phân bón, máy bơm, ống nước… trồng 200 cây bưởi trên diện tích 1 ha. Số tiền còn lại dùng để chăm bón cây.
Chỉ mong có ngày “hái trái ngọt” nhưng 3 cơn bão, 6 trận lụt năm 2020 đã làm diện tích bưởi trồng 3 năm của ông chết hết, chỉ còn sót lại vài cây.
“Nếu không có bão, lũ, diện tích bưởi của gia đình sẽ thu hoạch vào năm 2022. Nay, bão lũ khiến gia đình rơi vào cảnh tay trắng, số tiền vẫn còn nợ 100 triệu đồng; hàng tháng, phải trả lãi với số tiền gần 1 triệu đồng. Do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình rất vất vả trong việc trả lãi, không biết số nợ gốc khi nào mới trả được”. Ông Đăng bộc bạch.
Cũng như ông Đăng, gia đình ông Nguyễn Văn Sum vay vốn từ Dự án “Hạnh phúc Quảng Trị” với số tiền 25 triệu đồng để đầu tư trồng mới 120 cây bưởi. Bão, lũ năm 2020 đã làm chết hết số cây trồng mới trong dự án. Ngoài ra còn có 2ha cao su gãy đổ và hơn 1 mẫu mía bị chết. Nay, ngoài số nợ trên, ông tiếp tục vay thêm 5 triệu đồng để khôi phục diện tích đã hư hại. Hàng tháng với số nợ 30 triệu đồng, ông phải trả khoản lãi hơn 200 ngàn đồng; số tiền gốc không biết bao giờ mới trả được.
Theo ông Nguyễn Đăng Nhân, Trưởng thôn Phú Kinh Phường, Dự án “Hạnh phúc Quảng Trị” thông qua KOICA tài trợ đã cho 21 người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo thôn Phú Kinh Phường “mượn” với kinh phí trên 427 triệu đồng để triển khai dự án trồng cây có múi. Số tiền này, người dân phải trả lại gốc cho KOICA sau 3 năm kết thúc dự án. Năm 2020, sau 3 năm kết thúc dự án, số tiền trên lẽ ra phải được thu hồi để trả lại cho KOICA. Tuy nhiên, người dân đều gặp khó nên số tiền nợ trên được chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Hải Lăng thu hồi và đến tháng 8/2020 chuyển sang NHCSXH huyện Phong Điền quản lý, thu hồi.
“Hầu hết tiền vay vốn thực hiện dự án trồng cây có múi của 21 hộ dân thôn Phú Kinh Phường đều ra đi theo các cơn bão, lũ. Hiện nay, người dân trắng tay và gặp rất nhiều khó khăn, mong được NHCSXH huyện Phong Điền xem xét, khoanh nợ, gia hạn nợ; đồng thời cho người dân tiếp tục được vay vốn đầu tư sản xuất”. Ông Nhân đề xuất.
Sẽ xem xét
Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết, sau thiên tai, xã đã kiểm tra, thống kê thiệt hại của hộ dân các thôn. Tuy nhiên, thời điểm đó, tại thôn Phú Kinh Phường, cây chết một phần, chưa xác định được thiệt hại rõ ràng. Nay, qua thời gian, cây mới khô héo và chết hẳn. Trong giữa tháng 3 này, UBND xã sẽ kiểm tra lại lượng cây chết do bão lũ theo phản ánh của người dân; đồng thời có tờ trình gửi NHCSXH huyện Phong Điền xem xét theo quy định.
Theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ rủi ro tại NHCSXH quy định: Việc xem xét, xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng được thực hiện khi khách hàng bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan làm mất một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản.
Theo đó, khách hàng sẽ được gia hạn nợ với mức độ thiệt hại về vốn và tài sản dưới 40% so với tổng số vốn thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng. Khách hàng sẽ được khoanh nợ khi mức độ thiệt hại về vốn và tài sản từ 40% đến 100% so với tổng vốn thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng. Khách hàng được xóa nợ (gốc, lãi) khi đã hết thời gian khoanh nợ (kể cả trường hợp được khoanh nợ bổ sung) mà vẫn không có khả năng trả nợ…
Ông Lê Xuân Trung, Giám đốc NHCSXH huyện Phong Điền cho biết, đối với 21 hộ dân bị thiệt hại do bão, lũ ở thôn Phú Kinh Phường thuộc trường hợp được xử lý rủi ro về vốn vay tại NHCSXH. UBND xã Phong Mỹ phải lập danh sách, đánh giá mức độ thiệt hại của các hộ dân gửi Phòng giao dịch NHCSXH huyện để phối hợp, rà soát, đánh giá lại mức độ thiệt hại và xử lý rủi ro theo quy định. Sau đó, NHCSXH huyện Phong Điền sẽ lập hồ sơ gửi NHCSXH cấp trên. Tùy theo mức độ thiệt hại của các hộ dân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị NHCSXH Việt Nam sẽ phê duyệt để có thể gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ theo đúng quy định của Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ.
Bài, ảnh: Hải Huế