|
Diễn tập điều trị bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Ấn Độ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Chỉ tính riêng trong năm 2024, đã có 17 đợt bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm. Mỗi đợt bùng phát mới đều cho thấy những đường “đứt gãy” trong cấu trúc phòng ngừa đại dịch hiện có, và sự sẵn sàng ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh trên toàn cầu.
Theo một báo cáo mới của Tổ chức Giám sát chuẩn bị toàn cầu (GPMB), vô số rủi ro làm tăng khả năng xảy ra các đại dịch mới. Trong đó, báo cáo đưa ra 15 yếu tố chính đối với rủi ro đại dịch, được phân loại thành 5 nhóm riêng biệt, bao gồm: xã hội, công nghệ, môi trường, kinh tế và chính trị.
Đáng chú ý, báo cáo của GPMB được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới (WHS) lần thứ 15, đang được tổ chức tại thủ đô Berlin của Đức từ ngày 13 - 15/10.
Được biết, GPMB là một sáng kiến được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ, chịu trách nhiệm theo dõi các yếu tố thúc đẩy của rủi ro đại dịch và giám sát tình hình chuẩn bị sẵn sàng trên toàn cầu.
Báo cáo nói trên đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc hiểu được tình trạng dễ bị tổn thương trên toàn cầu trước các mối đe dọa, và kêu gọi thiết lập lại triệt để cách tiếp cận tập thể đối với công tác chuẩn bị ứng phó với đại dịch.
Trong đó, sự thiếu tin tưởng giữa các quốc gia và trong các quốc gia, bất bình đẳng, chăn nuôi thâm canh và khả năng lây nhiễm là một số mối đe dọa chính được nêu lên. Báo cáo cũng xác định những rủi ro mới ngoài các yếu tố sức khỏe truyền thống.
Kết nối kỹ thuật số đã cho phép các nhà khoa học nhanh chóng sắp xếp và chia sẻ dữ liệu về mầm bệnh và điều chỉnh phản ứng nhanh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, dấu chân kỹ thuật số này cũng khiến các hệ thống y tế và xã hội đứng trước nguy cơ. Các cuộc tấn công mạng, các mối đe dọa an ninh sinh học gia tăng và sự lan truyền nhanh chóng của thông tin sai lệch đều làm tăng nguy cơ xảy ra đại dịch.
Bà Joy Phumaphi, đồng Chủ tịch GPMB cho biết: “Đại dịch tiếp theo sẽ không đợi chúng ta hoàn thiện các hệ thống y tế. Chúng ta phải đầu tư ngay bây giờ vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu có khả năng phục hồi và công bằng để chống chọi với những thách thức của ngày mai”.
Qua đó, báo cáo xác định các yếu tố phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau, định hình nên rủi ro của đại dịch; đồng thời nhấn mạnh việc sẵn sàng xây dựng tính linh hoạt trong phản ứng, chủ động bảo vệ xã hội và đầu tư vào các nỗ lực hợp tác có thể giảm đáng kể rủi ro và tăng cường khả năng chuẩn bị.
“Để bảo vệ hiệu quả, tất cả các quốc gia phải tăng cường hệ thống y tế, ưu tiên bảo vệ xã hội và đảm bảo các dịch vụ y tế thiết yếu được cung cấp cho tất cả các cộng đồng, đặc biệt là những cộng đồng dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất”, GPMB nói thêm.
Công tác chuẩn bị cần kết hợp các chiến lược trải rộng trên các phương diện sức khỏe của con người, động vật và môi trường. Báo cáo kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các ngành để giảm thiểu rủi ro liên quan đến đại dịch, đồng thời khẳng định sức khỏe của ngành này sẽ có liên hệ chặt chẽ với sức khỏe của các ngành khác.
Báo cáo của GPMB cung cấp một khuôn khổ để các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh các chiến lược y tế hiện có, và tăng cường các biện pháp bảo vệ trước các đại dịch trong tương lai. Điều này bao gồm việc đảm bảo các kế hoạch phòng ngừa và ứng phó được xem xét thường xuyên và đủ linh hoạt để ứng phó với mọi tình huống. Đại dịch tiếp theo sẽ không đi theo cùng một con đường như COVID-19, những bài học rút ra từ kinh nghiệm đó sẽ mang tính hướng dẫn, chứ không xác định công tác chuẩn bị.
Khả năng phục hồi trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe trong tương lai phụ thuộc vào việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, cải thiện công nghệ, cơ sở hạ tầng y tế công bằng và hiểu biết sâu sắc hơn về bản chất của tất cả các yếu tố gây ra rủi ro đại dịch. Trong thế giới kết nối ngày nay, cộng đồng toàn cầu cần chịu trách nhiệm chung về phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh, thay vì coi sự chuẩn bị là hoạt động của một quốc gia hoặc cấp ngành riêng lẻ.