ClockThứ Bảy, 29/06/2019 21:31

Tìm hướng giải quyết cho người dân bị ảnh hưởng bởi Nhà máy xi măng Đồng Lâm

TTH.VN - Sáng 29/6, Ban Thường vụ Huyện ủy Phong Điền tổ chức buổi tiếp dân, đối thoại với người dân Phong Xuân về những vấn đề liên quan đến Nhà máy xi măng Đồng Lâm. Buổi đối thoại do ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy Phong Điền chủ trì với sự tham gia lãnh đạo Công ty CP Xi măng Đồng Lâm (viết tắt Cty Đồng Lâm), các ngành chức năng và đại diện hơn 60 hộ gia đình.

Giải pháp giảm ô nhiễm tại nhà máy xi măng Đồng LâmGiải quyết rốt ráo những vấn đề người dân Phong Xuân quan tâmXi măng Đồng Lâm: Dấu ấn 4 năm vận hànhXi măng Đồng Lâm: Phát triển sản xuất với chia sẻ lợi ích cộng đồng

Bà Nguyễn Thị Vân, thôn Cổ Xuân-Quảng Lợi phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại

Nhiều vấn đề nảy sinh

Nhà máy xi măng Đồng Lâm được khởi công xây dựng vào năm 2012 với tổng diện tích thu hồi khoảng 90,5ha và tái định cư cho 105 hộ gia đình. Nhà máy ước tính sản xuất 1,6 triệu tấn xi măng/năm, tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương.

Thống kê của các cấp chính quyền, quá trình hoạt động nhà máy đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân cạnh khu vực nhà máy. Cụ thể, từ năm 2014 đã xuất hiện các hố sụt lún. Đến tháng 7/2015, UBND xã Phong Xuân cùng với Công ty Đồng Lâm đã kiểm tra và xác định có hơn 100 hố sụt lún, đường kính miệng hố rộng từ 2 đến 8,4m, sâu từ 0,3 đến 2m. UBND xã Phong Xuân kiến nghị Công ty Đồng Lâm và đã thực hiện việc thi công lấp các hố sụt lún.

Trong năm 2019 đã xuất hiện thêm 5 hố sụt lún tại cánh đồng lúa, khu vực có mồ mả và tại vườn nhà dân. Công ty Đồng Lâm thống nhất phương án san lấp hố sụt lún, tránh nguy hiểm cho người và gia súc; đồng thời lập dự toán hỗ trợ di dời 17 ngôi mộ với kinh phí trên 100 triệu đồng…

Việc khai thác mỏ đá vôi cũng đã làm rạn, nứt 127 công trình nhà ở, đình làng, nhà văn hóa thôn và nhà thờ họ nằm trong phạm vi 500m. Cty Đồng Lâm đã hỗ trợ cho 118 hộ gia đình sửa chữa lại nhà với số tiền trên 1,2 tỷ đồng và 381 tấn xi măng cho 127 hộ. Năm 2018, tiếp tục khảo sát thêm 9 hộ gia đình, nhưng chưa chi trả tiền hỗ trợ… Ngoài ra, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người bị ảnh hưởng do khói bụi, đá văng, sụt lún, mất nước tại thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc là trên 25ha…

Bà Thái Thị Tại, thôn Xuân Lộc trình bày ý kiến tại buổi đối thoại

Đến nay, Công ty Đồng Lâm đã hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Trong đó, vụ hè thu năm 2018 đã hỗ trợ công chăm sóc và phân bón với tổng diện tích 35.358m2 bị mất nước nhanh với số tiền là 650.000 đồng/sào và bị mất nước chậm là 29.134m2 với số tiền là 325.000 đồng/sào.

Vụ đông xuân 2018-2019, chính quyền các cấp đã vận động 49 hộ dân chuyển đổi diện tích hơn 6ha sang trồng lạc, ngô và h trợ 100% giống, vật tư, phân bón và công lao động 300.000 đồng/sào. Diện tích không chuyển đổi vẫn tiếp tục trồng lúa, Công ty Đồng Lâm hỗ trợ tiền hao hụt phân bón 100 ngàn đồng/sào và công vệ nông 250 ngàn đồng/ngày trong vòng 4 tháng với tổng mức hỗ trợ gần 56 triệu đồng.

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin, đến nay, ngoài 12 hộ dân sống dưới băng tải của Nhà máy xi măng Đồng Lâm bị ảnh hưởng tiếng ồn và khói bụi, huyện cũng đã có phương án di dời 72 hộ nằm cách phạm vi đê bao mỏ 300m để trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Giải quyết theo lộ trình các vấn đề

Tại buổi đối thoại, có 25 ý kiến của người dân liên quan đến việc khói bụi, sụt lún, mất nước đồng ruộng, nứt nẻ nhà cửa… do việc nổ mìn của nhà máy Xi măng Đồng Lâm. Việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân. Hơn nữa, xe chuyên chở đất đá của Công ty Hùng Đạt chạy với tốc độ cao, nguy cơ gây mất an toàn giao thông, gây bụi trên tuyến Tỉnh lộ 11B và Tỉnh  lộ 9. Người dân trong phạm vi cách bờ đê mỏ 300m mong muốn được di dời, tái định cư nơi khác… Ngoài ra, người dân cũng mong muốn Công ty Đồng Lâm hỗ trợ vấn đề sức khỏe khi ảnh hưởng khói bụi; tiếp tục hỗ trợ để người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp…

Ông Phạm Phước Hiền Hòa, Phó Tổng giám đốc Cty Đồng Lâm khẳng định: Thời gian qua, Công ty luôn ưu tiên, cố gắng hết sức những vấn đề có thể để đảm bảo quyền lợi bà con. Hiện nay, Công ty đang siết chặt quy trình kỹ thuật khai thác mỏ đá vôi để hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng. Trong đó, yêu cầu nhà thầu giảm lượng thuốc trong 1 lần nổ không được quá 2,5 tấn. Chấn chỉnh và sẽ có biên pháp cứng rắn đối với khu vực ngoài mỏ như: buộc Nhà xe Hùng Đạt phải phun nước, che chắn cẩn thận trong quá trình vận hành, tránh tình trạng gây bụi, ô nhiễm môi trường. Nếu Nhà xe Hùng Đạt không thực hiện sẽ không cho xe vào mỏ. Khảo sát, kiểm tra lại lần 2 để tiếp tục sửa chữa nhà rạn nứt cho bà con trong năm 2019…

Ông Phạm Phước Hiền Hòa, Phó Tổng giám đốc Công ty Đồng Lâm trình bày việc giải quyết những vấn đề người dân phản ánh

“Vấn đề hỗ trợ về thẻ bảo hiểm y tế để đảm bảo sức khỏe cho người dân, tôi hứa sẽ trình ra Ban giám đốc để bàn bạc, quyết định trong thời gian tới”, ông Hòa nói.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy Phong Điền đã tiếp thu chia sẻ khó khăn với bà con thời gian qua. Ông Bình khẳng định, giải quyết những vấn đề bức xúc trong thời gian tới phải có sự chung sức của bà con nhân dân, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ phụ trách. Trong đó, phải làm theo lộ trình, xây dựng kế hoạch chi tiết. Vấn đề nào làm được thì làm sớm, nhất là vấn đề ô nhiễm về bụi… Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc xây mới, cơi nới các công trình nhằm mục đích hưởng đền bù. Bà con nhân dân cũng phải cùng với chính quyền hợp tác, không để xảy ra tình trạng như đã nêu.

Thường trực Huyện ủy Phong Điền buổi đối thoại với người dân

“Trước mắt, chỉ đạo UBND huyện và các ngành chức năng phối hợp với UBND xã Phong Xuân tập trung sớm hình thành 2 đề án. Trong đó, đề án di dời, tái định cư đối với những hộ bị ảnh hưởng bởi Nhà máy xi măng Đồng Lâm với tiêu chí hướng về người dân để trình UBND tỉnh. Đề án đối với phần diện tích sản xuất bị ảnh hưởng. Phải có luận chứng nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm xác định nguyên nhân, phân vùng các khu vực sụt lún đất, đánh giá nguy cơ đối với dân cư và các công trình kinh tế-hạ tầng cũng như các giải pháp giảm thiểu”, ông Bình nhấn mạnh.

“Sắp tới, lãnh đạo huyện sẽ tiếp tục làm việc với Công ty Đồng Lâm để đưa ra những giải pháp căn cơ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, về phía người dân cần phải phản ánh những tâm tư, nguyện vọng với chính quyền địa phương, không thể tụ tập, nghe theo lời xúi giục, tạo ra điểm nóng cho địa phương, gây mất tình hình an ninh trật tự”, ông Bình khẳng định.

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dập tắt đám cháy ở cơ sở vàng mã trong đêm

Sáng 5/12, ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An, huyện Phong Điền xác nhận, vào chiều tối 4/12, tại nhà ông Nguyễn Chánh Thương ở Đội 2, Bồ Điền, Phong An xảy ra vụ cháy ở gác lửng 2 tầng.

Dập tắt đám cháy ở cơ sở vàng mã trong đêm

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Công ty sản xuất vít tải
Return to top