Đi thuyền trên sông Hương ngắm Huế là trải nghiệm không nên bỏ qua. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN
Chủ thuyền là một cậu thanh niên trẻ kiệm lời đứng điều khiển buồng máy, còn phụ giúp việc vặt là bà cụ áng chừng mẹ cậu ta. Bà bày sẵn mấy món đồ lưu niệm rẻ tiền lên sàn thuyền để tiếp thị với du khách: một vài chiếc ví lụa thêu hình cô gái xứ Huế, những bộ bưu thiếp chất lượng xấu, quạt lụa in mái chùa Thiên Mụ và những con búp bê gỗ kém tinh xảo. Như hầu hết những người Huế làm dịch vụ khác, bà chào mời khách với một sự nhẫn nại và lịch sự mong bán được một món đồ với giá 30.000 đồng. Tôi hứa lúc quay về sẽ mua một chiếc ví dễ thương kia để bà cụ yên tâm quay lại với những công việc thường nhật của mình.
Tôi ngồi trên chiếc ghế nhựa đầu mũi thuyền, ngược dòng Hương trong một sớm chiều tắt nắng. Rất tiếc mũi thuyền rồng cao vút đã cản mất tầm nhìn phía trước, chỉ còn cách ngắm hai bên bờ. Những bãi mía vẫn trải dài dịu dàng theo dòng nước, và mái nhọn Gô-tích của những nhà thờ xứ đạo, mái vòm cong cong của vài ngôi chùa nhỏ rải rác dọc bờ sông. Cố đô Huế tự thuở nào đã tĩnh lặng, khiến ngay cả nước sông cũng bình yên theo, như hồ không dám chảy xiết làm hỏng cảnh quan của đôi bờ. Qua chùa Thiên Mụ chừng nửa tiếng đồng hồ nữa là đến điện Hòn Chén - một trong 16 di tích được xếp hạng danh mục Quần thể di tích Huế, di sản văn hóa thế giới.
Từ đằng xa đã nhìn thấy Ngọc Trản sơn vắng lặng trong chiều tà. Có lẽ chỉ những dịp rước sắc mẫu Thiên Yana thì ngọn núi này mới thực sự đông đúc. Tôi bước lên những bậc thang dẫn vào điện thờ. Công trình cổ từ thời người Chăm thờ nữ thần Ponagar đến giờ vẫn “vẹn nguyên” như thế, có vẻ như sự thiếu thốn trùng tu đã khiến điện thờ ngày càng trở nên âm u, tiêu điều. Nhưng từ nơi này, có thể ngắm xuôi dòng sông Hương, và nếu Huế và dòng Hương lặng lẽ biết chừng nào thì đứng trên mỏm Ngọc Trản sơn, có thể lặng mình mà thấm hết những gì cô quạnh nhưng cũng bình yên nhất của xứ Huế.
Mặc dù du lịch của Huế rất phát triển, nhưng một số làng nghề truyền thống lại đang mai một dần. Đến thăm làng làm nón và hương trầm gần lăng Tự Đức, chỉ còn thấy hương trầm phơi thành bó bên vệ đường, ngay sát cạnh hàng trăm bức tranh trừu tượng treo dọc đường cái làm thành một gallery nghệ thuật ngoài trời trong tuần lễ Festival. Những chiếc nón lá bài thơ xứ Huế nổi tiếng một thời đã gần như biến mất. Giờ tại ngôi làng nổi tiếng đã từng cung cấp vừa để che nắng, vừa để làm đẹp cho hầu hết chị em phụ nữ Huế, người ta chỉ bày bán một vài chồng nón cho khách du lịch bên cạnh những món đồ mỹ nghệ không bắt mắt.
Khi thấy tôi ngỏ ý muốn vào thăm xưởng làm nón, người bán hàng bảo “Họ có làm nữa đâu. Làm cái ni lãi ít lắm, mà không có người mua. Nên bữa nào đi làm đồng về chằm được cái nào thì chằm thôi”. Khách viễn du muốn mua đồ lưu niệm dễ thường chọn thứ khác chứ không mấy khi muốn vác theo chiếc nón lá cồng kềnh. Vậy là nón bài thơ thành ế. Người Huế càng bị bớt một phần thu nhập.
Có những thứ biến mất nhưng cũng có những hạng mục mới xuất hiện. Nay người Cố đô bổ sung thêm nhiều loại hình kiếm sống, trong đó có một món thức thời nhưng dường như lạc lõng so với toàn bộ câu chuyện kể trên về một xứ kinh thành. Đấy là những quán nhậu ầm ĩ nằm trên con đường mang tên người nhạc sĩ lừng danh của dòng tân nhạc Việt Nam. Việc cuối cùng tôi muốn được thực hiện ở Huế là tìm đến phố Trịnh Công Sơn. Tác giả “Diễm xưa” đã sống ở Huế từ nhỏ. Vì thế, người Huế ghi danh ông bằng một con đường tuyệt đẹp ven sông.
Qua hết cầu Gia Hội là đến đường Trịnh Công Sơn. Tôi những mong mình sẽ chọn được một quán cà phê giản dị nào đó để thưởng thức chút tao nhã trong tiếng nhạc Trịnh. Nhưng phố Trịnh rặt không còn gì khác ngoài một bên là kè sông bày lô xô ghế nhựa với đám thực khách đang “zô zô”, một bên là những quán nhậu sẵn sàng cung cấp bia và đồ nhắm cho thực khách đang chờ đợi phía bên kia đường. Thấy tôi phóng xe qua chầm chậm, mấy cậu trai phụ quán đổ ra chào mời, chỉ còn thiếu điều túm chặt tay lái khách níu lại đến suýt ngã xe. Cũng có quán mang tên “Diễm xưa” hay “Phố Trịnh”, nhưng không vì thế mà “phố nhậu” thơ hơn được chút nào. Thôi thì cũng đành chứ biết làm sao. Đâu có ai quy định phố Trịnh là chỉ được phép kinh doanh cà phê nhạc Trịnh hay tiệm sách và đĩa CD.
Đường Trịnh Công Sơn là một con phố mới chưa quy hoạch, có vị trí đắc địa ven sông. Cứ hy vọng, 10 năm sau quay lại, biết đâu phố Trịnh lại mọc lên những nhà vườn mướt bóng dưới “nắng hàng cau” và réo rắt qua khung cửa sổ nhà ai khúc ca ngọt ngào da diết “Bước chân em về, nào anh có hay. Gọi tên cho nắng chết trên sông dài” với lơ phơ rèm trắng và lay lắt nắng trên lòng sông.
DiLi