ClockThứ Năm, 05/09/2024 11:01

Trái ngọt khi ta thay đổi

TTH - Bà Diana và ông Andrea - người Hà Lan tới biệt thự Nhà Bống vào đầu mùa hạ năm nay. Khi gặp họ, chị thật ấn tượng với nụ cười gần như “bung xả” của bà Diana và sự điềm đạm, trầm tính của ông Andrea.

Chia sẻ và yêu thương

 

Nhìn Diana và Andrea lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và vui tươi. Có thể do tâm thế tận hưởng trọn vẹn mọi thứ và cả tư duy du lịch của họ chăng? Hai người họ thích khám phá nhiều địa điểm nổi tiếng ở Việt Nam, từ Huế vào Hội An và dự định ra miền Bắc sau đó. Ông bà dành nhiều thời gian thưởng thức ẩm thực ở Cố đô, rồi vào tham quan phố cổ Hội An, sẵn sắm cho mình vài bộ quần áo may đo lấy nhanh.

Ở lứa tuổi gần 60, ông Andrea và bà Diana ngoài chuyện rong chơi vẫn luôn cẩn thận, quan tâm đến sức khỏe sau mỗi ngày dài vi vu. Họ đã thuê hai chiếc xe đạp vào phố cổ từ sáng tới chiều muộn, sau đó buổi tối về nhà nghỉ ngơi.

 Cách mà ông Andrea quan tâm, chăm sóc bà Diana thật đặc biệt. Mỗi khi nói chuyện, thỉnh thoảng bà lại cười vang hồn nhiên như một đứa trẻ, khi ấy ông Andrea nhìn bà với ánh mắt đầy âu yếm, chất chứa cảm xúc thương yêu.

- Vợ tôi có thể sử dụng cây piano ở đây không? Cô ấy học đàn hơn hai năm và đánh được một số bản của Beethoven. Ông Andrea hỏi tôi.

- Đương nhiên là được ạ!

Chị nhận ra, Andrea là người khá tinh tế thì mới để ý tạo những điều ngọt ngào này cho người vợ. Đi đâu, làm gì hầu như ông cũng “giành” hết mọi thứ, bà Diana chỉ cầm một chiếc túi xinh xắn trên tay để làm dáng. Nhìn hình ảnh đó, chị chợt liên tưởng đến các chuyến đi ngắn ngày của gia đình mình trước đây. Đôi khi vì sự vô tâm, hời hợt mà chồng đã “mặc kệ” chị vừa bồng bế con nhỏ vừa phải cầm thêm đồ đạc lỉnh kỉnh khiến chị phát cáu. Nếu muốn, chị phải “nhờ vả” anh mang giúp. Nhưng với cặp đôi này những việc đó hoàn toàn tự nhiên và dường như đã được mặc định.

Khoảng thời gian này, biệt thự Nhà Bống cũng đón một cặp đôi trẻ người Anh. Elisa và Matthew thuê xe máy vào buổi sáng và họ thường trở về lúc đã khuya. Theo vài hướng dẫn google map, hai người họ đến thưởng ngoạn cảnh quan hùng vĩ tại đèo Hải Vân, ranh giới giữa Đà Nẵng và Huế. Có lẽ vì cặp đôi còn trẻ nên họ ưu tiên đi nhiều nơi để trải nghiệm. Vì di chuyển nhiều, cộng thêm thời tiết miền Trung khắc nghiệt, hôm trước nắng nóng, hôm sau đã trở mưa liên tục nên Matthew cảm sốt vào ngày hôm sau.

Elisa khá lo lắng hỏi: Món nào ở Việt Nam có tác dụng thanh nhiệt, hạ sốt dành cho người ốm? Để tôi nấu giúp. Chị trả lời. Nhưng Elisa từ chối, bảo “Chị bày tôi nhé. Tôi muốn tự tay chăm sóc anh ấy”.

 Nhìn Elisa có đôi chút vụng về trong căn bếp nhỏ nhưng lại nhiệt thành và tận tâm nấu tô cháo loãng thịt bò đậu xanh cho bạn trai, khiến chị không khỏi xúc động. Khi người ta yêu, sự quan tâm dồn hết về phía đối phương. Vậy thì trong cuộc sống vợ chồng điều đó chẳng nhẽ không cần thiết? Đã bao lâu vợ chồng chị “anh kệ em, em kệ anh” đến chuyện đau ốm mỗi người cũng tự biết, hiếm khi cả hai mới hỏi han, chia sẻ cùng nhau?

Chị ngồi một mình tư lự giữa vườn, ngó quanh căn biệt thự cho thuê của mình. Những câu chuyện tưởng đâu nhỏ nhặt này giúp chị nhìn lại mối quan hệ hôn nhân của chính mình. Đâu cần phải cao xa gì, để người ta rút ra nhiều bài học sâu sắc về tình yêu thương, sẻ chia và kết nối kia chứ…

Khác với khách Việt, người nước ngoài thường đi du lịch theo diện cặp đôi. Họ cũng nồng nàn và tình tứ hơn, không phân biệt độ tuổi cũng như quốc gia nào, từ thanh niên, trung niên cho đến cao tuổi. Các cặp đôi luôn ưu tiên chất lượng mỗi hành trình, các khoảnh khắc bên cạnh nhau. Họ đặt mối quan hệ với bạn đời hơn tất thảy, trên cả con cái. Cho dù đi cùng con trẻ thì họ vẫn luôn dành thời gian, sự gắn kết vợ chồng. Người Việt thường ưu tiên con cái hơn, cả gia đình tập trung lo lắng cho bọn nhỏ sẽ đi đâu, ăn gì, ăn có ngon hay không… là đã hết thời gian, tâm trí và năng lượng. Và vì thế bản thân hoặc bạn đời hầu như ít được quan tâm hẳn...

Trước đây, chị cũng từng mặc định rằng, chồng chị đối đãi với vợ như thế nào thì chị sẽ đáp trả lại như thế đó. Nhưng tình cảm vợ chồng không phải điều gì cũng rõ ràng, một là một, hai là hai, như những con số vô tình. Nên tối đó, chị đã chủ động nũng nịu, sà vào lòng chồng sau bao nhiêu ngày cách xa. Lúc đầu anh có vẻ bất ngờ nhưng dưới sự cứng đầu của vợ, thì vòng tay anh dần trở nên ấm áp hơn. Vợ chồng chị đã ôm nhau rất lâu, nói chuyện dịu dàng như chưa từng xảy ra bất cứ bất đồng, mâu thuẫn hay đớn đau nào.

Từ hôm ấy, chị vào bếp thường xuyên hơn. Bữa đi chợ có cá bống tươi ngon, chị thường kho tộ và luộc thêm một dĩa rau muống cùng chén mắm nêm nhiều ớt cay ngon lành. Nấu xong, chị chụp hình gửi cho chồng và nhắn “Món anh thích nè”. Nửa tiếng sau anh có mặt ở nhà.

Chị không còn thụ động mong chờ chồng mình sẽ là người mang đến tình yêu, là người phải làm mọi thứ cho gia đình này vì anh là phái mạnh. Mà chính chị sẽ bắt tay vào chuyện thay đổi từ bản thân mình trước tiên, từng chút nhỏ mỗi ngày, tạo nên các kết nối từ những điều quen thuộc với chính người chồng mà chị từng cho rằng có lẽ anh đã hết yêu chị rồi.

Và chị tin rằng mọi thứ đang khác đi…

Huỳnh Kim Hoa
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top