|
Điểm giao giữa đường Lương Văn Can, phường An Cựu (Km 690+380) luôn được xem là điểm đen tai nạn giao thông đường sắt |
Hiểm họa từ đường ngang, lối mở tự phát
Tuyến đường sắt Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh có chiều dài 111,1km, trong đó, Công ty cổ phần đường sắt Bình Trị Thiên quản lý (từ Km 655+I00 Km 756+200) với chiều dài 101,1km; Công ty cổ phần đường sắt Đà Nẵng - Quảng Nam quản lý (từ Km 756+200 – Km 766+200) dài 10km; đi qua 11 xã, 18 phường và 3 thị trấn của 2 huyện, 2 thị xã và TP. Huế.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh cho biết: Điều kiện địa hình tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh khá phức tạp. Có nhiều đoạn đi qua khu vực đông dân cư với số điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ dày đặc; nhiều đoạn qua khu vực bán sơn địa với nhiều đường cong bán kính nhỏ, trái chiều; nhiều đoạn đi qua vùng thường bị ngập nước vào mùa mưa lũ.
Thống kê của Ban ATGT tỉnh, hiện trên tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh có 66 đường ngang (trong đó, đường ngang có người gác 29 đường, cảnh báo tự động có cần chắn tự động 33 đường, biển báo 4 đường) và 87 LĐTM có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt rất cao.
Cách đây chưa lâu, tại thị trấn Phú Lộc (Phú Lộc) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt làm một nữ sinh điều khiển xe máy băng qua đường sắt tại LĐTM tử vong. “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân về sự nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao ở các LĐTM, thế nhưng, vẫn có người tử vong do băng qua các LĐTM do thiếu quan sát”, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Lộc chia sẻ.
Tại TP. Huế, điểm giao giữa đường Lương Văn Can, phường An Cựu tại Km 690+380 luôn được xem là điểm đen tai nạn giao thông đường sắt. Trước đó, một nam thanh niên điều khiển xe máy đi từ đường Duy Tân băng qua đường sắt dẫn đến va chạm với tàu hỏa. Rất may, cú va chạm không trực diện nên nam thanh niên chỉ bị xây xát nhẹ, phần đầu xe máy bị hư hỏng. Tiếp đó, cũng tại vị trí này, một nữ sinh điều khiển xe máy băng qua đường sắt vừa lúc tàu hỏa chạy tới đã kéo lê nữ sinh này khoảng 7 mét, bị thương nặng, phải đi cấp cứu tại bệnh viện…
Xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở
Với mục tiêu thu hẹp, giảm, tiến tới xóa bỏ tất cả các LĐTM và các vị trí nguy hiểm, đe dọa đối với an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Ban ATGT tỉnh và các đơn vị, ban, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu này; trong đó xác định quyết tâm đến năm 2025 xóa bỏ toàn bộ các LĐTM còn lại trên các tuyến đường sắt.
Kết quả cho thấy, từ tháng 6/2021 đến 31/6/2024, các địa phương trong toàn tỉnh đã đóng được 33/87 LĐTM. Hiện, huyện Phú Lộc đang nỗ lực cố gắng phối hợp với các ngành để đóng thêm 8 LĐTM trên địa bàn huyện. Như vậy, tính đến cuối năm, trên địa bàn tỉnh còn 46 LĐTM gồm: Huyện Phong Điền 4, TP. Huế 11, TX. Hương Thủy 3, Phú Lộc 28. Những LĐTM này cần sớm có phương án xây dựng đường gom, đường ngang, hầm chui để xóa bỏ.
Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết: Thời gian qua, địa phương rất tích cực trong việc phối hợp với ngành đường sắt đóng, xóa nhiều LĐTM băng qua đường sắt. Đây là những “điểm đen” vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt qua địa bàn Phú Lộc. Còn 28 LĐTM trên địa bàn, huyện tiếp tục xóa bỏ với quyết tâm cao nhất.
Không chỉ Phú Lộc, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh có tuyến đường sắt đi qua cũng đã chủ động, tích cực để đảm bảo an toàn khi tàu chạy, giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ tai nạn thương tâm liên quan đến đường sắt.
Kế hoạch mà Ban ATGT tỉnh đưa ra là, xây dựng mới 5 hầm chui, 4 đường ngang, 20 tuyến đường gom dài 11,67Km để nối vào các hầm chui, đường ngang có gác chắn hoặc đường ngang có cảnh báo tự động, cần chắn tự động. Ông Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh thông tin, tại huyện Phong Điền có 4 LĐTM, do vậy, phương án là xây dựng 2 tuyến đường gom dài 2,1km và nâng 1 LĐTM thành đường ngang, với tổng mức đầu tư dự kiến 16,7 tỷ đồng. TP. Huế có 11 LĐTM, phương án xây dựng 3 tuyến đường ngang dài 1,59km, 1 đường ngang và 1 hầm chui đường Lương Văn Can với tổng mức đầu tư dự kiến 80,2 tỷ đồng. Vị trí LĐTM Km 690+380 giao với đường Lương Văn Can, phường An Cựu (TP. Huế) do có mật độ dân cư đông, lưu lượng xe lớn nên xây dựng hầm chui để thuận tiện cho người dân lưu thông và giảm tải cho đường Trần Phú, đường Ngự Bình. Tại LĐTM Km 755+850, thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) phương án 1 là xây dựng mới hầm chui để xóa bỏ 10 LĐTM đi vào nhà 10 hộ dân, phương án 2 là di đời toàn bộ các hộ dân về Khu TĐC vì các hộ dân này sống dọc sát theo đường sắt nằm trong hành lang an toàn giao thông đường sắt và nằm phía dưới khu vực sườn núi dễ bị sạt trượt đất đá mùa mưa bão.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, đơn vị, ban, ngành liên quan và sự chỉ đạo thường xuyên của UBND tỉnh, hy vọng, mục tiêu “Xóa bỏ toàn bộ các LĐTM còn lại trên các tuyến đường sắt” sẽ đạt được, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông đường sắt.