ClockThứ Năm, 02/03/2017 13:51

Bán hàng đa cấp: “Tranh tối, tranh sáng”

TTH - 100% doanh nghiệp (DN) được cấp phép hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) trên địa bàn tỉnh đều không hiện diện thương mại (chi nhánh, văn phòng đại diện…), gây khó khăn cho công tác quản lý.

Khó quản lý

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 DN thông báo đang hoạt động BHĐC trong tổng số 65 DN BHĐC trên phạm vi toàn quốc với các mặt hàng như: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng, sản phẩm gia dụng; hàng tiêu dùng, nước hoa… có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam và nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới. Trong đó, có 2 DN đăng ký 4 địa điểm hoạt động BHĐC tại địa bàn theo hình thức hợp đồng ký gửi hàng hóa với hộ cá thể (không phải là địa điểm kinh doanh của DN) và 17 DN đang hoạt động nhưng không đăng ký địa điểm hoạt động BHĐC tại địa phương. Theo báo cáo của các DN về kết quả BHĐC trên địa bàn tỉnh, có 13 DN đang hoạt động kinh doanh (có lượng người tham gia, hoa hồng, tiền thưởng…), trong đó DN có hoạt động mạnh trên địa bàn như: Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam, Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy…

Chưa bàn đến chất lượng sản phẩm, với 100% DN hoạt động BHĐC do Bộ Công thương cấp phép hoạt động, có trụ sở chính ở địa phương khác, không có hiện diện thương mại (chi nhánh, văn phòng đại diện…) trên địa bàn tỉnh, nên rất khó khăn cho công tác quản lý. Theo ý kiến của ngành công thương, hoạt động phát triển mạng lưới BHĐC thường diễn ra thông qua hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, hoặc thông qua sinh hoạt nhóm, hoặc dựa trên mối quan hệ cá nhân… để phát triển mạng lưới. Có mạng lưới quy mô lên đến hàng chục ngàn người tham gia, số lượng giao dịch hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, nên nếu DN BHĐC cố tình lừa đảo thì rất khó kiểm soát, tác động đến nhiều tầng lớp Nhân dân.

Do các cơ sở hoạt động BHĐC trên địa bàn chỉ là cấp trung gian, đại lý ký gửi hàng hóa, trong khi hợp đồng mua bán được ký kết giữa công ty BHĐC với người tham gia BHĐC, nên để phát hiện hành vi BHĐC trái quy định, mang tính lừa đảo không hề dễ và có thể còn nhiều vi phạm chưa thể kiểm tra, kiểm soát và xử lý hết. Đơn cử trường hợp xử phạt Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy vào giữa năm 2016, Sở Công thương phải căn cứ trên đơn khiếu kiện của người tham gia mới đề xuất thành lập đoàn kiểm tra 3 cơ sở đăng ký địa điểm hoạt động. Theo đơn, do nhận thấy có dấu hiệu khả nghi về kinh doanh bất chính, một số người muốn trả lại hàng hóa và nhận lại khoản tiền đã chuyển cho DN, nhưng công ty này không chấp nhận. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, công ty này mới chịu hoàn trả tiền cho những người định tham gia bán hàng. Nhân kiểm tra thực tế tại 3 cơ sở của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, đoàn phát hiện hành vi vi phạm về kinh doanh mỹ phẩm có nhãn ghi không đủ nội dung theo quy định, vi phạm trong lĩnh vực lao động và đã bị Chi cục Quản lý thị trường tỉnh xử phạt 67,5 triệu đồng. Qua thăm dò, mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý, song các cơ sở bị xử phạt vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hút người tham gia vào mạng lưới BHĐC của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy.

Cũng trong năm 2016, Công ty TNHH Herbalife Việt Nam tổ chức hội nghị, hội thảo không đúng nội dung đăng ký tại Sở Công thương, nên đã bị xử phạt vi phạm 40 triệu đồng.

Phải đồng lòng hợp tác

Theo ý kiến của lãnh đạo ngành công thương, giữa “tranh tối tranh sáng” của hoạt động BHĐC, cách tốt nhất là người dân cần sáng suốt, tỉnh táo để tránh bị vướng vào chiêu trò lừa đảo của hoạt động BHĐC. Ngành cũng đã tuyên truyền, phổ biến về những dấu hiệu nhận biết BHĐC bất chính và đã có những khuyến cáo đến người dân. Chẳng hạn một số dấu hiệu như DN BHĐC yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, ký quỹ hoặc mua một số lượng sản phẩm nhất định hoặc phải trả tiền để được tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp của mình. DN BHĐC không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không mua lại với số tiền tối thiểu bằng 90% giá sản phẩm ở thời điểm bán. Người tham gia mạng lưới không phải hưởng lợi ích từ việc bán sản phẩm mà là từ việc lôi kéo người khác tham gia vào mạng lưới và lợi nhuận không phát sinh từ hoạt động bán hàng mà là từ tuyển dụng người tham gia. DN BHĐC buộc và hối thúc người tham gia mua hàng để bán dù biết hàng hóa đó khó tiêu thụ, không thể bán ra thị trường để thu hồi vốn. Nếu phát hiện những dấu hiệu trên, người dân cần quyết định sáng suốt để tránh mất tiền của, phạm pháp.

Đã có nhiều vụ lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để huy động tài chính, gây hậu quả xấu cho xã hội xảy ra trong phạm vi cả nước và đã bị Bộ Công thương thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, như Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam, Công ty CP Sản xuất và Thương mại con đường Việt (có thông báo hoạt động BHĐC trên địa bàn), Công ty CP New Power Việt Nam, Công ty TNHH Tầm nhìn Đại Hưng 668, Công ty CP Xuất nhập khẩu và Thương mại Quốc tế TNC. Hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh cũng phức tạp và ngày càng có nhiều người, nhiều đối tượng tham gia vào mạng lưới đa cấp. Có một số hoạt động lợi dụng tổ chức hội nghị, hội thảo để huy động tiền bất chính. Theo một cán bộ ngành công thương, mặc dù biết có sai phạm nhưng vì không có bằng chứng, ngay cả những người trong cuộc còn bao che, thậm chí “thần tượng hóa” sản phẩm mình đang theo đuổi BHĐC, nên cơ quan chức năng rất khó xử lý.

Đầu năm 2017, UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp quản lý hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh; phân công rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương cũng như công tác phối hợp để quản lý. Theo chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, chuyên viên Phòng Quản lý thương mại- Sở Công thương, giải pháp tốt nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, trong đó chính quyền địa phương sở tại đóng vai trò quan trọng nhất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và nâng cao nhận thức cho người dân để nhận biết dấu hiệu BHĐC lừa đảo cũng như có thái độ phòng ngừa, tố giác kịp thời…

Danh sách các doanh nghiệp bán hàng đa cấp có thông báo hoạt động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Măng Đô

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp
Return to top