ClockThứ Năm, 10/09/2015 14:27

Bắt đầu từ tình thương con trẻ

TTH - "Tình thương trẻ là động lực chính tạo nên sự công tâm và trách nhiệm cho những nhà quản lý giáo dục và giáo viên trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ các cháu ở lứa tuổi mầm non, tiểu học…" – Thầy Võ Văn Việt (Hiệu trưởng Trường tiểu học Hương Long).

Cô giáo Trường Mầm non 1 chăm lo bữa ăn cho các cháu

Tận tình quan tâm

Hiện TP Huế có 30/33 trường tiểu học với khoảng 12.000 học sinh và, 47 trường mầm non với khoảng 14.000 học sinh tổ chức bán trú 2 buổi một ngày.
Năm học mới, để tạo sự yên tâm cho phụ huynh, nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP Huế chủ động đầu tư bếp ăn tập thể, cải tiến phòng ăn, phòng ngủ, giường ngủ... đảm bảo bữa ăn và giấc ngủ cho các cháu. “Để tổ chức các bữa ăn, giấc ngủ tại trường học, cán bộ quản lý, giáo viên phải tận tình quan tâm chăm sóc học sinh, giúp trẻ ăn ngon miệng, ngủ đủ giấc... và chú ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế trường học nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong những ngày đến trường...”, bà Hồ Thị Ngọc Như, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Huế nói.
Phòng GD&ĐT TP Huế yêu cầu các trường tuyệt đối đảm bảo đúng quy định vệ sinh an toàn thực phẩm (thực phẩm phục vụ bữa ăn cho học sinh phải có hợp đồng, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng...) và tiếp tục phối hợp với phụ huynh để tăng cường dinh dưỡng trong khẩu phần ăn để đảm bảo đầy đủ và cân đối hợp lý, tăng cường sức khỏe cho học sinh... Theo kết quả kiểm tra mới đây của Phòng GD&ĐT TP Huế, 17/17 trường đã tổ chức tốt bếp ăn (khâu tiếp phẩm, sơ chế chế biến và lưu mẫu thức ăn). Để đảm bảo sự công tâm, khách quan tuyệt đối trong việc kiểm tra số lượng, chất lượng thực phẩm, hầu hết các trường tiểu học (có tổ chức bán trú) và mầm non đều có các ban tiếp thực phẩm với đầy đủ thành phần: đại diện Ban giám hiệu nhà trường, nhân viên y tế, nhân viên quản lý bếp ăn, cấp dưỡng và thanh tra nhân dân...
Tình thương và trách nhiệm
Trường tiểu học Hương Long là đơn vị điển hình trong việc tổ chức bán trú, trở thành điểm tham quan học hỏi kinh nghiệm về tổ chức bán trú cho các trường trong và ngoài tỉnh. Từ chỗ chỉ có 90 học sinh đăng ký bán trú, đến nay đã tăng 560 học sinh bán trú/1.067 học sinh của toàn trường. Hệ thống bếp ăn một chiều đạt chuẩn, 3 nhà ăn tập thể, 3 nhà vệ sinh và các phòng nghỉ trưa được đầu tư với nhiều trang thiết bị máy điều hòa nhiệt độ, quạt máy... tạo không gian thoáng mát, sạch sẽ. “Tại đây, không có người cầm tiền đi chợ hàng ngày như một số trường khác, đến tháng thực hiện chi trả các nguồn cung cấp thực phẩm bằng hình thức chuyển khoản và nhà trường chấp nhận chi trả thêm số tiền phần trăm trong giao dịch này”. Bà Võ Thị Tú Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Hương Long, cho biết.
Trường còn dạy cho các em kỹ năng sống, tự xếp dọn gối nệm ngăn nắp sau giờ nghỉ trưa... Phụ huynh và học sinh có thể phản ánh, thắc mắc về chế độ ăn ngủ trong ngày với Ban giám hiệu nhà trường, tạo điều kiện để học sinh được học bán trú không theo lớp... Thầy Võ Văn Việt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hương Long cho biết: “Suy nghĩ ban đầu của trường khi mở bán trú là để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh. Do xem học sinh như con cháu nên nhà trường quyết tâm để các em đảm bảo sức khỏe, phát triển thể lực và làm tốt việc chăm lo bữa ăn chỗ nghỉ cho các em”.
Ở Trường Mầm non 1, năm nay có khoảng 600 học sinh, từ 2 – 5 tuổi. Bà Trần Thị Hà Tuyết – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non 1 cho biết: “Khẩu phần ăn cho trẻ đối với lứa tuổi này, vấn đề dinh dưỡng là hàng đầu. Nhờ có chuyên môn ngành y nên tôi luôn tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng để xây dựng thực đơn hàng tuần và khẩu phần cho trẻ hàng ngày đạt chất lượng nhất, đảm bảo sức khỏe cho các em”.
Bên cạnh đầu tư 3 camera để giám sát chặt chẽ khu nhà bếp, nhà trường làm khá kỹ khâu tiếp phẩm hàng ngày với đầy đủ các thành phần của Ban tiếp phẩm. Hệ thống giường gối nệm của các cháu cũng được trường đầu tư hoàn thiện với 700 giường, phòng ngủ mùa hè thoáng mát, mùa đông ấm áp, dễ dàng tạo giấc ngủ sâu cho trẻ... “Để quản lý tốt trường mầm non bán trú, trước hết phải có cái tâm, đòi hỏi người quản lý phải có kiến thức, không ngừng cải tiến, có biện pháp tổ chức tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Đặc biệt, phải luôn suy nghĩ để cải tiến công việc hiệu quả hơn. Cần có chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt.”, bà Đặng Thị Phương Tâm – Hiệu trưởng Trường Mầm non 1 đúc rút.
Bài, ảnh: Đức Phương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA

Ngày 26/4, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã phối hợp với Quỹ học bổng AMA trao 20 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển khóa tuyển sinh năm học 2023 -2024.

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA
"Trồng" những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện

Rèn luyện đảm bảo sức khỏe, nâng cao thể lực cho học sinh là “khâu” quan trọng, hiệu quả trong nâng cao chất lượng dạy và học của ngành giáo dục & đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Vang; “trồng” những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện, để sau này các em tiếp bước xây dựng quê hương.

Trồng những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện
Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học

Những năm gần đây, học sinh các cấp trên địa bàn Phú Vang ngày càng đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Quốc gia. Riêng tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh năm học 2023-2024 mới đây, học sinh Phú Vang đoạt gần 40 giải. Đó là nỗ lực và kết quả của quá trình vượt lên nhiều khó khăn, bền bỉ nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò huyện Phú Vang.

Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học
Return to top