ClockThứ Năm, 24/03/2011 05:25

Bóng đá Huế

TTH - Ngày mới giải phóng, tôi là cậu bé lên mười ở quê mê xem bóng đá. Vui nhất là hằng năm cứ vào dịp Quốc khánh hay 26/3, được ông cho đi Huế chơi. Hành trình cứ lặp lại, buổi sáng đi bộ lên thấu sông Hương xem đua ghe, buổi trưa ghé thăm người bà con, buổi chiều ông con ra sân vận động xem ba-lon (bóng đá). Ông thường kể chuyện đá banh thời xưa, chuyện các danh thủ Huế bé tý mà chơi ngang ngửa với cầu thủ tây to đùng trên sân Tự Do… Tôi nghe cứ thấy sướng rơn. Cũng như nhiều người Huế, bóng đá thấm sâu trong tôi từ bé.


Cổ động viên Huế trên sân Tự Do. Ảnh: HueDaily.com

Kể từ khi tôi biết xem đá bóng, 36 năm sau ngày giải phóng, Huế cũng đã có nhiều thế hệ cầu thủ bóng đá thành danh. Sau 75 là lứa những cầu thủ những Rớt, Tuỳ, Thọ… Tiếp theo là Châu, Đàn…Rồi Sang, Tuấn, Dũng… Đang chơi bóng là Trương, là Lâm… Cực nhất là lứa sau ngày giải phóng, có cầu thủ buổi chiều ra sân buổi sáng còn đi xe đạp thồ kiếm sống. Còn vui nhất, vinh quang nhất là vào thập niên 90 của thế kỷ trước khi tuyển Huế đoạt á quân quốc gia. Hôm mới đây gặp Lê Huy Hoàng, nguyên giám đốc doanh nghiệp taxi ATC Huế, nghe hắn tự hào mà cũng vui lây: “Mi có nhớ không. Huế lúc đó tổ chức cả đoàn xe cho cổ động viên đi theo cổ vũ đội bóng khi thi đấu xa nhà. Mà đi đầu là tau đây chứ ai!...”. Ừ nhớ một thời, dân Huế cờ trống tưng bừng cổ động cho đội bóng khiến nhiều người ở Sài Gòn phát thèm.

Tôi xem bóng đá trên sân Tự Do, thấy người Huế mình yêu bóng đá thiệt bụng và cách cổ động dễ thương, rất Huế. Ai dè, ngồi trên sân mà cứ cu Bi, cu Bốn…những cái tên mạ tụi hắn gọi ở nhà mà ré. Rất nhiều cổ động viên Huế thuộc lòng cả hai tên của cầu thủ đoạt ngôi vị thứ nhì năm xưa. Có ghi tâm tạc dạ mới biết được cặn kẽ đến thế. Báo Thừa Thiên Huế có nhà báo đã mất là anh Trần Đình Xuân Dũng bỏ ra cả buổi chiều để xem đội bóng tập luyện. Muốn biết về bóng đá cứ hỏi anh là đủ. Nhớ có lần tôi đi công tác trong Nam. Xe bon bon chạy bỗng có người phát hiện, ai như Dũng kìa. Ừ không sai, anh Dũng vào Sài Gòn phóng xe về Long An theo dõi tuyển Huế thi đấu để viết tin cho Báo Thừa Thiên Huế.
Rồi nữa là cách chửi. Hôm ngồi trên sân xem tuyển Huế thi đấu, tôi bỗng giật mình khi nghe tiếng chửi phía sau “Mệ nội mi, ngu bưa thôi. Lo về mà nấu rau heo. Đá đấm như rứa mà nuôi cho uổng cơm”. Tôi quay lại thì ra là giọng chửi của một ông cụ đã ngoài 70 tuổi, có lẽ cũng như ông tôi đã lỡ trót thương bóng đá Huế mất rồi. Cũng ông cụ ấy mấy phút sau lại “giỏi giỏi, đá như rứa mới là đá chớ”. Tôi lại nhìn, một khuôn mặt hiền khô và thiệt vô tư. Người Huế trên sân bóng bộc trực, cổ vũ và như cách nói của nhiều người là “cháy hết mình” nhưng không quá hằn học, cay cú chuyện ăn thua.
Sân bóng bây giờ đẹp hơn, khang trang hơn nhưng không còn đông vui như ngày xưa nữa. Nhưng tôi nghĩ, vẫn còn đó một tình yêu âm thầm mà sâu lắng và dữ dội mà người Huế ta dành cho trái banh da, cho đội bóng thân yêu của mình. Sẽ thật thiếu sót khi nói về tính cách và tâm hồn của người Huế ta mà lại bỏ đi những câu chuyện xung quanh quả bóng tròn.
Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top