ClockThứ Năm, 30/06/2016 06:06

“Chạy trường”

TTH - Buổi sáng cuối tuần, ghé quán cà phê “giao ban” với bạn bè chút. Chuyện trời chuyện đất sao đó lại nhảy qua chuyện học. Và thời sự nhất, cũng là… cũ nhất là chuyện chạy trường.

- Năm học mới còn lâu mới bắt đầu, nhưng chuyện “chạy trường” thì đã nóng. Chạy cấp 1, chạy cấp 2, cả mầm non cũng…chạy.

- Đời sống ngày mỗi khấm khá hơn, con cái lại ít hơn, nên ai cũng phải lo kiếm cho con mình một chỗ học hành tử tế, chất lượng. Dễ hiểu và dễ cảm thông mà.

- Ngành giáo dục đã và đang nỗ lực đầu tư cả con người và cơ sở vật chất để chất lượng vùng miền, chất lượng giữa các trường không chênh nhau. Đảm bảo quyền lợi và chất lượng giáo dục cho người theo học.

- Cũng biết vậy, nhưng xóa cho được tâm lý “mê tín” thương hiệu trường này trường nọ cũng không phải ngày một ngày hai. Lại nữa, một số vì lý do công việc. Nhà cửa một nơi, công tác một nơi, ai cũng muốn xin cho con học gần, hoặc thuận đường nơi làm việc để dễ coi sóc, đưa đón. Đó là nhu cầu có thật và chính đáng. Nên “chạy trường” cũng không có gì lạ. Có điều, có một vài trường hợp “chạy” rất lạ.

- Chạy là chạy, sao lại còn có “chạy lạ” với “chạy quen”?

- Chạy, đương nhiên là…thế yếu. Phải năn nỉ ỉ ôi, phải hạ mình nịnh nịnh chút để còn được thương tình. Đó là “quen”. Nhưng có trường hợp chạy mà lại… đọc lệnh, đó có phải là “lạ” không?

- Có kiểu đó nữa à, hay lão bịa đấy?

- Bịa sao được. Chính tai tớ nghe một bác trưởng phòng giáo dục kể hẳn hoi. Cùng nghe còn có nhiều người nữa, không tin cứ kiểm chứng.

- Ừ thì tin. Nhưng là đọc lệnh thế nào?

- Đại khái là có một đồng chí nhà ta đang công tác trong một ngành rất quyền lực, đến gặp cô hiệu trưởng, yêu cầu nhận con mình và… chỉ định phải đưa vào lớp này lớp nọ.

- Ghê răng vậy! Kết quả ra sao?

- Cô hiệu trưởng nghe yêu cầu, sốc! Vậy là không nhận, mời về.

- Hậu quả tất yếu. Tóm lại, chuyện cũng… đơn giản.

- Chưa hết, thế này nữa mới gay cấn. Nghe cô hiệu trưởng từ chối, vị phụ huynh kia sừng cồ dọa: “Cô không nhận à? Vậy thì sếp cô sẽ nhận!”. Mà đúng là sau đó, cô hiệu trưởng nhận được điện thoại từ sếp thiệt. Song, cô khẳng khái giữ lập trường: “Thầy có thể cách chức em, còn với trường hợp này, câu trả lời vẫn là: Nhất định không!”. Dỗ dành kiểu gì cũng không lay chuyển.

- Sau đó thì sao, cô hiệu trưởng có bị… cách chức không?

- Lý gì mà cách chức. Sếp đành vận động vị phụ huynh kia “chuyển tọa độ”.

- Hoan hô. Phải như vậy chứ. Phụ huynh cậy quyền, con cái rất dễ hỏng. Cần có bài học như thế cho tỉnh bớt. Chỉ tiếc là cô hiệu trưởng… không bị cách chức.

- Sao tiếc?

- Nếu cách chức, ông sẽ có bài báo hay.

- Cái lão này, toàn nghĩ xiên xẹo…

Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sự nghiêm khắc cần thiết của hành khách

Trong số những hành vi gây mất an toàn giao thông, việc vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông hàng đầu…

Sự nghiêm khắc cần thiết của hành khách
Sáng kiến cảm động

Ở đây xin không bàn sâu chuyện hay - dở khi xây dựng lăng mộ cho người chết, chỉ xin nói về một tấm lòng luôn nghĩ cho người nghèo...

Sáng kiến cảm động
Trả nợ kiểu... quái dị

Bà Sương ở một mình, chẳng làm lụng gì nhưng nhờ cháu chắt đứa nào cũng thương, thỉnh thoảng gửi ít kinh tài trợ giúp nên sống cũng phong lưu.

Trả nợ kiểu  quái dị
Sẽ là một không gian không dễ bỏ qua

“Ba, cho con đi đường sách chơi đi”. Thằng bé nhà tôi yêu cầu sau khi hoàn tất kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Tất nhiên là tôi rất sẵn lòng. Hai cha con thắng bộ, lên xe và thẳng tiến về đường sách Hai Bà Trưng. Đến nơi, thằng bé lập tức sà vào mấy cái giá sách để truyện cổ tích, truyện tranh để chọn, rồi ra một góc ngồi ngấu nghiến.

Sẽ là một không gian không dễ bỏ qua
Chụp & gọi (?!!)

Chiều muộn, nhưng còn 2 cô đồng nghiệp đang nhỡ việc chưa xong, anh và bác tài đành phải nán lại chờ để về cùng xe.

Chụp  gọi
Return to top