ClockThứ Sáu, 27/05/2016 06:01

A Lưới: Chú trọng phát triển công đoàn ngoài quốc doanh

TTH - Xây dựng nội dung, chọn hình thức, quy mô phù hợp để tiếp cận gần hơn với lực lượng công nhân – lao động (CN-LĐ) và chủ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, qua đó phát triển công đoàn cơ sở khu vực ngoài quốc doanh là những ghi nhận tại Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện A Lưới.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ở A Lưới chưa thành lập tổ chức công đoàn (ảnh mang tính minh họa)   

Tăng cường đối thoại, tư vấn, vận động

A Lưới hiện có hơn 50 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân. Qua khảo sát của LĐLĐ huyện, nhiều đơn vị có quy mô sản xuất nhỏ, sử dụng lao động mang tính thời vụ thiếu ổn định; nhiều chủ doanh nghiệp nhận thức về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn còn hạn chế dẫn đến việc phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức công đoàn ở khu vực ngoài quốc doanh còn nhiều khó khăn. Từ thực tế đó, Ban Thường vụ LĐLĐ huyện đã thành lập Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) ngoài quốc doanh, phối hợp với các ban, ngành liên quan và các xã, thị trấn, nơi có cơ sở sản xuất kinh doanh khảo sát, nắm tình hình và tuyên truyền, vận động, xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên, tiến đến thành lập tổ chức CĐCS trong khu vực này.

Chủ tịch LĐLĐ huyện A Lưới, ông Nguyễn Văn Dương cho biết: Các thành viên Ban vận động chủ động tìm đến chủ các doanh nghiệp đối thoại, tư vấn pháp luật, khảo sát tình hình hoạt động ở các doanh nghiệp để xây dựng nội dung, chọn hình thức, quy mô phù hợp nhằm tiếp cận gần hơn với lực lượng CN–LĐ. Từ đó, các cấp công đoàn phát động nhiều phong trào thi đua như sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong CNVC-LĐ; liên kết phát triển sản xuất..., thu hút đông đảo lực lượng lao động tham gia, nhất là khu vực ngoài quốc doanh. Từ khi phong trào liên kết đẩy mạnh phát triển sản xuất được phát động, việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho lực lượng lao động trong các doanh nghiệp được quan tâm hơn. Nhờ vậy, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp có sự cải thiện tích cực. Các chủ doanh nghiệp đã quan tâm đến việc cập nhật kiến thức pháp luật lao động, thực hiện việc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho CN-LĐ.

Bên cạnh đó, công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVC-LĐ được quan tâm nên ngày càng thu hút lực lượng lao động gia nhập vào tổ chức công đoàn. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện các chế độ chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi người lao động như thực hiện đóng BHXH, BHYT cho đoàn viên, CNVC-LĐ được các cấp công đoàn thường xuyên quan tâm. Tổ chức công đoàn trở thành chỗ dựa vững chắc cho người lao động, tạo tiền đề trong công tác phát triển đoàn viên và công đoàn cơ sở, nhất là khu vực ngoài quốc doanh.

Thiết thực cho doanh nghiệp

Ông Võ Tử Quyên, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Xây dựng Xuân Hồng cho biết: “Qua tư vấn, vận động của LĐLĐ huyện và theo nguyện vọng của CN-LĐ, công ty đã thành lập tổ chức công đoàn và chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2010. Từ đó, lực lượng lao động chính của công ty được đóng các chế độ BHXH, BHYT đầy đủ. Công ty hợp đồng lao động thời vụ từ 30-50 người tùy theo thời điểm thi công các công trình. Ngoài việc chăm lo đời sống cho CN-LĐ như cải thiện về thu nhập, đơn vị còn luôn chú trọng đến công tác bảo hộ lao động và các chính sách khác cho công nhân. Nhờ vậy, năng suất lao động và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của đơn vị tăng lên…”.

Đến nay, toàn huyện đã phát triển 2.431 đoàn viên trong số 2.442 CNVC-LĐ; trong đó khối CĐCS ngoài quốc doanh chiếm 8%. Từ con số không, A Lưới đã thành lập được 8 CĐCS ở các doanh nghiệp tư nhân, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành phần kinh tế trên địa bàn.

Theo ông Tô Hồng Quân, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Xuân Hồng, từ hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, đơn vị đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển đoàn viên công đoàn và hướng đến thành lập các tổ công đoàn bộ phận.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Nguyễn Văn Dương khẳng định: Ban Thường vụ LĐLD huyện chỉ đạo Ban vận động thành lập CĐCS ngoài quốc doanh thường xuyên khảo sát, giúp các doanh nghiệp, công ty tư nhân nâng cao chất lượng hoạt động thông qua các phong trào cụ thể, thiết thực, phù hợp đặc thù của ngành, nghề, thành phần kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người sử dụng lao động trong các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh hiểu rõ về tổ chức công đoàn, quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, thu hút CN-LĐ tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn.

Song song, LĐLĐ huyện ký kết quy chế phối hợp hoạt động với UBND huyện, cùng các cấp chính quyền tham gia giúp đỡ các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp hiểu và tiến tới thành lập tổ chức công đoàn; phấn đấu đến năm 2021, thành lập thêm từ 5-10 CĐCS ngoài quốc doanh; 100% doanh nghiệp ngoài quốc doanh có CĐCS xây dựng được thang bảng lương và ký kết thỏa ước lao động tập thể…

Bá Trí

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tay đào, tay xoài

Rẽ vào con đường nhỏ gần chợ thị trấn A Lưới, khu vườn của ông Đào Trọng Ninh khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ít ai biết được có cơ ngơi như ngày hôm nay là hành trình hơn 20 năm gắn bó gieo mầm xanh trên vùng đất này.

Tay đào, tay xoài
A Lưới đảm bảo điều kiện thoát nghèo trong năm 2024

Sau 2 năm (2022 - 2023) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đến nay “bộ mặt” huyện A Lưới đã có nhiều khởi sắc, công tác giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đảm bảo điều kiện thoát khỏi tình trạng nghèo trong năm 2024.

A Lưới đảm bảo điều kiện thoát nghèo trong năm 2024
Đầu tư cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn

Để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, một trong các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2025 là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn tỉnh giảm còn 1,84%. Để đạt tỷ lệ này, tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực giảm nghèo cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn.

Đầu tư cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn
Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
Return to top