Homestay Hồ Trâm ở huyện A Lưới. Ảnh: Hữu Phúc
Xin được liệt kê vài việc làm của A Lưới mà qua một quá trình dài dõi theo tôi biết được. Về bảo tồn văn hóa có: Bảo tồn, phục hồi và phát triển nghề dệt zèng; phục tráng lại lúa Ra dư truyền thống; bảo tồn các lễ hội văn hóa (mừng cơm mới, trỉa lúa, cầu mùa, lễ tuốt lúa…).
Gần đây, nhiều đề án về phát triển kinh tế được xây dựng hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển: phát triển diện tích trồng cao su, trồng chuối, nuôi bò và xây dựng thương hiệu các sản phẩm từ thịt bò; trồng và chế biến rượu sim; thử nghiệm mô hình nuôi cá nước lạnh. Về phát triển du lịch, xây dựng các địa chỉ phát triển du lịch như: về lại chiến trường xưa; thăm đường mòn Hồ Chí Minh; du lịch thác suối; du lịch lưu trú homestay…
Với một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, làm được chừng ấy việc đã là quá tốt.
Giờ, A Lưới chú tâm xây dựng nông thôn mới, chăm lo cảnh quan môi trường, đời sống tinh thần cho người dân. Mới đây, A Lưới còn tổ chức cuộc thi “Sạch nhà - Đẹp ngõ” và “Tuyến đường hoa”. Theo thông báo, cuộc thi sẽ được tổ chức vào tháng 5 và kết thúc vào tháng 9 -10/2020 theo hình thức cũng rất hiện đại – làm các clip ngắn gửi về trên Fanpage Tuổi trẻ A Lưới và được bình chọn. Nghĩa là, A Lưới vừa chăm lo đời sống vật chất đồng thời cũng quan tâm đến đời sống tinh thần, môi trường sống của người dân.
Không gian trưng bày tại Trung tâm Sinh hoạt văn hóa các dân tộc huyện A Lưới. Ảnh: Ngọc Toàn
Nếu nói không quá lời, thì tôi nhìn thấy ở đây một sức trẻ của cán bộ đầy nhiệt huyết và sáng tạo. Sự cống hiến vì một cuộc sống ngày càng sung túc hơn của người dân đúng nghĩa. Nói như thế, không có nghĩa là những điều ấy trước đây không có nhưng có vẻ như, giờ đây điều kiện kinh tế xã hội đã khác; những đòi hỏi của người dân đã khác; những thúc đẩy của chủ trương đã khác… nó đã làm cho sự thay đổi ngày càng nhanh hơn, rõ ràng hơn và cũng hiệu quả hơn, thiết thực hơn, phù hợp với những đòi hỏi ngày càng cao hơn của cuộc sống.
Điều này thực sự đáng được trân trọng.
Bây giờ, đến A Lưới, quan sát cảnh quan môi trường, hạ tầng, đời sống của người dân khác hẳn so với trước đây hàng chục năm. Cũng đúng thôi, xã hội ngày càng phát triển mà!
Hơn 10 năm trước, khi thực hiện ký sự truyền hình: “Lần theo đường mòn Hồ Chí Minh qua Thừa Thiên Huế”, tôi có dịp đi qua lại nhiều lần hết chiều dài của huyện A Lưới; hầu như tiếp xúc trò chuyện với bà con ở nhiều xã, tôi thấy đời sống của người dân còn nhiều khó khăn; đặc biệt là người dân ở các xã, các bản vùng sâu vùng xa. Có một lần tôi vào bản Hu – một bản cực kỳ hẻo lánh. Muốn vào phải đi bộ cả mấy tiếng đồng hồ băng đèo lội suối. Người dân phải vào đây tìm đất trồng bắp, trồng sắn, trỉa lúa. Và gặp không ít người vào rừng để săn bắt hái lượm; trong đó cũng có người đi khai thác gỗ. Tất cả ở đây đều là những nhà chòi tạm bợ. Bữa ăn của hầu hết người dân rất đạm bạc. Giờ chưa có dịp trở lại, không biết đời sống của người dân thế nào nhưng, khi nhìn những thay đổi của huyện, tôi tin rằng đời sống của người dân ở đây đã có những cải thiện.
Ước mơ và khát vọng trước đây – làm sao miền núi tiến kịp miền xuôi giờ có thể trở nên “lạc hậu”. Có khi miền núi đã có những điều kiện tốt hơn cả nhiều vùng ở miền xuôi. Nhiều chế độ chính sách của Nhà nước được thực thi cho bà con miền núi; nhiều chương trình quốc gia được thực hiện trong nhiều năm đã đưa lại điều này. Nhưng điều quan trọng nhất là sự phấn đấu bền bỉ, tự lực tự cường của người dân dưới sự thúc đẩy của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, mà đặc biệt là thế hệ lãnh đạo được đào tạo bài bản, có sức trẻ, nhiệt huyết, có bản lĩnh và sự cống hiến…
Thời gian này đang là thời điểm đại hội đảng bộ các cấp. Trung ương cũng đã có những chỉ đạo sâu sát về công tác cán bộ. Những đổi thay của A Lưới như ngày hôm nay, có thể cũng là một bài học cho việc đánh giá và xem xét công tác cán bộ chăng? Làm việc cụ thể, hiệu quả… chưa bao giờ được dẫn dắt bởi một đội ngũ cán bộ không đủ phẩm chất. Chúng ta hoàn toàn tin tường vào “lý thuyết” này.
Lê Phương