Cán bộ Đồn BPCK A Đớt gắn bó bên dân trong mọi hoạt động
Là một hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đến nay, anh Ra Pát ở thôn Chi Lanh – Aro, xã A Đớt đã từng bước cải thiện cuộc sống từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt do cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK A Đớt hỗ trợ giúp đỡ. Từ những vùng đồi hoang hóa, bằng công sức mồ hôi của bộ đội, nay rừng tràm đã phủ xanh diện tích đất trống đồi trọc, số lượng gia súc, gia cầm trong chuồng cũng tăng lên…
Đại úy Trần Ngọc Tuấn, cán bộ Đồn BPCK A Đớt được tăng cường giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã A Đớt niềm nở kể về quá trình thực hiện nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế ở địa phương này. Sau khi đi sâu tìm hiểu tình hình, anh nhận thấy đời sống Nhân dân còn quá nhiều khó khăn, diện tích canh tác ngày càng bị thu hẹp do lũ lụt làm sạt lở bồi lấp hằng năm, lực lượng lao động trên địa bàn xã chưa được quan tâm đào tạo, còn thiếu việc làm… Trăn trở với người dân, anh tham mưu cho Đảng uỷ, Ban chỉ huy đơn vị phát động phong trào giúp dân phát triển kinh tế trong toàn bộ cán bộ, chiến sĩ và đưa nội dung này vào chương trình giáo dục chính trị tại đơn vị.
Bắt tay thực hiện, cán bộ, đảng viên trong đơn vị đăng ký xây dựng mô hình kinh tế nuôi dê thương phẩm làm điểm để nhân rộng trong Nhân dân. Các anh đầu tư con giống từ nguồn tích lũy ngày lương của cán bộ, chiến sĩ đóng góp, rồi tìm hiểu kỹ thuật và hướng dẫn cho các hộ dân trên địa bàn thực hiện nuôi. Sau khi sinh sản, nguồn dê giống được tái đầu tư cho hộ khác. Đại úy Trần Ngọc Tuấn tâm sự: “Để phong trào đạt hiệu quả, đơn vị gắn trách nhiệm cho mỗi cán bộ tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ cho 3 hộ gia đình nghèo. Do đó, cán bộ phải học làm công tác khuyến nông để hướng dẫn bà con thực hiện các mô hình kinh tế theo đúng quy trình kỹ thuật. Cán bộ tăng cường liên tục bám dân, hàng ngày cầm tay chỉ việc cho bà con đổi mới cách làm ăn, từ cách chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển rừng kinh tế, đến hạch toán chi tiêu, tích lũy để tái đầu tư...”.
Cứ thế, dần dần cán bộ, đảng viên trong đơn vị đã nhân rộng và phát triển nhiều mô hình chăn nuôi bò, dê, trồng cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế ở địa phương, tích cực giúp dân xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, đơn vị còn nhận đỡ đầu 8 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với số tiền mỗi tháng 500 nghìn đồng/em học đến hết THPT. Cá nhân Đại úy Trần Ngọc Tuấn tự nguyện nhận đỡ đầu cho 2 em ở địa bàn xã A Đớt.
Chủ tịch UBND xã A Đớt Trần Văn Minh khẳng định: “Vai trò của cán bộ, đảng viên lực lượng biên phòng đóng góp cho địa phương rất quan trọng. Nếu không có bộ đội biên phòng, e rằng A Đớt khó có được những bước cải thiện về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội như bây giờ...”.
Theo Thượng tá Nguyễn Đình Minh, Chính trị viên Đồn BPCK A Đớt, xác định nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các xã biên giới là cơ sở quan trọng để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, Đảng ủy, Ban chỉ huy đơn vị coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng tình hình nhiệm vụ, nêu cao ý thức trách nhiệm, không có biểu hiện sai lệch về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức. Chương trình giáo dục chính trị của đơn vị được xây dựng với nhiều biện pháp linh hoạt, chủ động, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên. Qua đó, từng bộ phận xây dựng tiêu chí cụ thể gắn với nhiệm vụ được giao để thực hiện; phát huy tính chiến đấu của cán bộ, đảng viên trong việc tham gia ý kiến với cấp uỷ về những vấn đề cơ bản, cấp thiết của đơn vị, tạo không khí dân chủ, cởi mở, đoàn kết thống nhất trong toàn đơn vị.
Bài, ảnh: Bá Trí