Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa tham gia thảo luận ở tổ chiều 29/5. Ảnh: Quốc Vương
Cảnh sát biển có thuộc lực lượng vũ trang?
Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế cho rằng, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất về Cảnh sát biển Việt Nam hiện nay mới là Pháp lệnh nên hiệu lực thi hành chưa cao, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam là cấp bách và cần thiết.
Cảnh sát biển mặc dù thành lập hơn 15 năm nhưng đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, góp phần đảm bảo việc thực thi pháp luật, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông. Có những vụ phối hợp giải quyết tình hình rất thành công, ví như vụ Giàn khoan 981, lực lượng Cảnh sát biển là lực lượng nòng cốt xử lý có hiệu quả. Ngoài ra, tình hình tội phạm hoạt động trên biển cũng từng bước được cảnh sát biển lập lại ổn định. Dự thảo luật trình Quốc hội lần này là sự nỗ lực của Chính phủ, đặc biệt là ban soạn thảo đã chuẩn bị tốt các nội dung.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng, cần xác định rõ nhiệm vụ của Cảnh sát biển trong luật, vì trên biển hiện có khá nhiều lực lượng làm nhiệm vụ. Trong 7 nhiệm vụ của cảnh sát biển có nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt duy trì thực thi trên biển. Cần xem lại đây là “chủ trì” hay “nòng cốt” duy trì pháp luật trên biển. Hiện nay lực lượng cảnh sát biển đã được trang bị phương tiện khá hiện đại và được phân chia ở các vùng sẽ có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng. Tuy nhiên cũng cần phân chia rõ cho các lực lượng, tránh trường hợp nhiều vùng biển có nhiều lực lượng nhưng một số vùng biển lại không có.
Địa vị pháp lý của Cảnh sát biển như thế nào. Ở Luật Quốc phòng xác định lực lượng vũ trang gồm Dân quân tự vệ, Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân, vậy cảnh sát biển được quy định như thế nào. Dù lực lượng gì cũng nên thể hiện rõ rằng cảnh sát biển là lực lượng chuyên trách đặc biệt của Nhà nước và là lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật trên biển Việt Nam. Cảnh sát biển có chức năng ngăn chặn theo thẩm quyền các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển Việt Nam.
Tại Chương 3, việc phối hợp hoạt động có rất nhiều bộ, ngành, đề nghị ban soạn thảo cần rà soát lại, chỉ phối kết hợp với những bộ, ngành lớn với những nguyên tắc lớn nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và giao Chính phủ chủ trì. Còn đối với các lực lượng trong quân đội sẽ có quy chế phối hợp, theo nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao.
Một việc hết sức quan trọng là thực hiện hợp tác quốc tế, đây là nhiệm vụ quan trọng. Đề nghị làm thế nào đưa vào luật, hiện nay chúng ta đã ký kết những hiệp ước gì với các nước. Trong quá trình phối hợp trên biển cần tuân thủ những nguyên tắc nào. Ngoài ra có một số chủ trương, chính sách, trang bị cho lực lượng này như thế nào cũng là vấn đề đại biểu quan tâm.
Đại biểu Bùi Đức Hạnh cho rằng, lực lượng cảnh sát biển không chỉ thực thi pháp luật Việt Nam mà còn cả pháp luật quốc tế. Ảnh: Quốc Vương
Cảnh sát biển không chỉ thực thi pháp luật của Việt Nam
Tham gia thảo luận tại tổ, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng - đại biểu Bùi Đức Hạnh, đoàn Thừa Thiên Huế nhất trí cao với báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đã trình bày. Đồng thời nêu một số vấn đề còn băn khoăn.
Đánh giá tầm quan trọng của dự án luật, ông Bùi Đức Hạnh cho rằng, sự cần thiết phải ban hành luật là hết sức cần thiết, đáng lẽ phải được thông qua từ kỳ họp trước. Thứ nhất cảnh sát biển là lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Thứ hai, dù đã có pháp lệnh về cảnh sát biển nhưng các luật liên quan quy định một số quyền nhưng quyền đó hạn chế đến quyền con người và quyền công dân. Tất cả các hạn chế này đều phải được điều chỉnh bằng luật như quyền bắt, khám xét, tạm giam… phải quy định cảnh sát biển được làm các quyền đó.
Cảnh sát biển không chỉ thực thi pháp luật của Việt Nam mà phải thực thi pháp luật quốc tế. Nên bắt buộc luật phải có quy định cụ thể về việc thực thi pháp luật quốc tế. Vị trí pháp lý của cảnh sát biển cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây có phải là lực lượng vũ trang hay không phải là lực lượng vũ trang, có nằm trong Bộ Quốc phòng hay không. “Thực tế trên thế giới rất nhiều nước có cảnh sát biển, có nơi thuộc Bộ Quốc phòng, có nơi thuộc Bộ Công an. Tuy nhiên, dù thuộc lực lượng nào cũng phải đảm bảo chế độ chính sách cho anh em”- ông Bùi Đức Hạnh nói.
Băn khoăn về vị trí, chức năng và cụm từ lực lượng “chủ trì” duy trì pháp luật trên biển, ông Bùi Đức Hạnh cho rằng, hiện lực lượng chấp pháp trên biển có 4 lực lượng chính là Bộ Quốc phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và Cảnh sát đường thủy. Ngoài ra, có các lực lượng khác như Hải quân, lực lượng của các quân khu đóng trên các đảo. Mỗi lực lượng đều có chức năng, nhiệm vụ khác nhau và đều được phân công nhiệm vụ, nên nói cảnh sát biển là “chủ trì” thì có thể trùng lắp với lực lượng khác. Bởi ở một vùng biển, có nhiệm vụ này là chủ trì, nhiệm vụ khác là phối hợp, cho nên không thể “chủ trì” tất cả được mà chủ trì trên một số chức năng nhiệm vụ cụ thể.
Phạm vi hoạt động của cảnh sát biển như đánh giá vẫn còn chung chung và dễ trùng lắp, chồng chéo. Vùng biển của Việt Nam gồm có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế nhưng có 2 vùng cơ bản nhất là vùng nội thủy và vùng lãnh hải. Do vậy, cần xác định phạm vi hoạt động làm sao để tránh chồng chéo với các lực lượng khác mà vẫn đảm bảo giữ vững ổn định chủ quyền và an ninh trật tự trên biển.
Thái Bình- Quốc Vương (ghi)