Ngoài chi hỗ trợ gói an sinh theo Nghị định 42 của Chính phủ, các cấp, ngành còn huy động các nguồn hỗ trợ hiện vật cho đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn do dịch
Sắp về đích
Thực hiện gói chi hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị định 42 của Chính phủ, dù phải vừa đối mặt với dịch bệnh, song các cấp, ngành, chính quyền địa phương của tỉnh vẫn rất tích cực trong công tác thẩm định, xét duyệt và chi trả cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch nằm trong diện được hỗ trợ.
Đối với 3 nhóm đối tượng: người có công, thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế chi hỗ trợ cho gần 134.300 người với tổng kinh phí chi trả hơn 148,3 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành chi hỗ trợ đạt 100% các đối tượng chính sách, yếu thế này.
Đến cuối tháng 9, nhóm đối tượng lao động bị ảnh hưởng gồm: lao động không có giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) bị mất việc làm; người lao động tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương; người lao động nghỉ việc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đã được UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt cho 40.301 đối tượng. Trong đó, các địa phương đã tổ chức hỗ trợ, chi trả cho 37.681 đối tượng và còn lại 2.620 đối tượng chưa được chi trả. Số chưa được chi trả tập trung nhiều nhất là 2 địa phương: TP. Huế còn 2.278 đối tượng và Phú Vang còn 301 đối tượng. Nam Đông còn 37 đối tượng, A Lưới 2 đối tượng, Phong Điền 2 đối tượng.
Ông Trần Nhơn Mâng, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Phú Vang cho biết, 301 đối tượng chưa được chi trả trên địa bàn là do quyết định của UBND tỉnh phê duyệt chi trả gặp đúng thời điểm bão số 5 đổ bộ. Khả năng trong tuần này, các địa phương cấp xã sẽ làm các thủ tục rút tiền và chi trả xong cho những đối tượng trên. Phòng LĐTB&XH huyện Phú Vang cũng đang thẩm định 587 hồ sơ do các xã chuyển lên để trình UBND huyện chuyển lên cấp trên xem xét phê duyệt hỗ trợ cho những đối tượng lao động bị ảnh hưởng này.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Phòng Việc làm - An toàn lao động - Sở LĐTB&XH, hiện nay, có hơn 70% địa phương thực hiện chi trả đã về đích hoặc sắp về đích. Các địa phương còn lại tiếp tục làm thủ tục để tổ chức hỗ trợ, chi trả vào tuần sau. Căn cứ kết quả biên bản của 9 đơn vị báo cáo thì số hồ sơ còn tồn đọng tại một số địa phương khoảng 1.200 hồ sơ. Còn lại các đơn vị: Nam Đông, Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền không còn hồ sơ tồn đọng.
Dự kiến kết thúc gói hỗ trợ an sinh theo Nghị định 42 của Chính phủ, toàn tỉnh sẽ có khoảng 42.000 lao động tự do được nhận hỗ trợ.
Ngoài chi hỗ trợ gói an sinh theo Nghị định 42 của Chính phủ, các địa phương còn huy động các nguồn hỗ trợ hiện vật cho người nghèo vượt qua khó khăn do dịch
Không để ai “bị bỏ lại phía sau”
Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến đời sống người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là các hoạt động dịch vụ, du lịch, lưu chuyển thương mại, sản xuất, kinh doanh, giáo dục...
Sự đình trệ, gián đoạn của những hoạt động này đã tác động trực tiếp lên đôi vai của người lao động. Con số hơn 9.000 lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp do bị mất việc làm chỉ mới là con số thống kê được trong số hàng chục nghìn lao động tự do bị mất việc, giảm việc, giảm thu nhập do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. So với cùng kỳ năm 2019, số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp cao hơn 76%.
Dự báo dư âm mức độ “ngấm” ảnh hưởng của dịch, số lao động thất nghiệp hoặc giảm sâu thu nhập có nguy cơ tiếp tục tăng khi nền kinh tế khủng hoảng, chưa kịp phục hồi trong và sau dịch.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; hàng hóa của người lao động khó khăn trong tiêu thụ, giá cả giảm… là thực trạng chung đang diễn ra. Lĩnh vực du lịch, dịch vụ, giao thông, giáo dục... được cho là ảnh hưởng nặng nhất. Cùng với đó, những người thuộc diện nghèo và các đối tượng yếu thế cũng chịu tác động lớn, kéo theo nguy cơ tái nghèo xuất hiện và chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo sẽ khó đạt theo như kế hoạch đặt ra.
Trước những khó khăn của người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, Nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã phần nào chia sẻ cùng người dân vượt qua khó khăn trước mắt.
Theo đại diện Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, đây là nguồn động viên to lớn, kịp thời, có giá trị về vật chất, không chỉ là thể hiện rõ tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” mà còn là sự khẳng định của Chính phủ về việc “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Gói hỗ trợ này không chỉ trực tiếp giúp người dân vượt khó mà còn góp phần giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững gắn với đảm bảo an sinh xã hội, tạo niềm tin trong Nhân dân.
Trên cơ sở thực hiện theo các thông tư, hướng dẫn, Sở LĐTB&XH cũng đã bổ sung xét hỗ trợ thêm cho hàng trăm đối tượng người có công như chồng, vợ của người có công tái giá; hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội.
Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH vừa đề xuất Chính phủ xem xét mở rộng chi hỗ trợ cho đối tượng lao động thuộc đơn vị giáo dục ngoài công lập hưởng gói an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Để chuẩn bị danh sách và chủ động thực hiện chi trả kịp thời khi có văn bản đồng ý chính thức của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH về việc hỗ trợ cho những đối tượng này, Sở LĐTB&XH đang phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo tiến hành rà soát, lập danh sách đảm bảo đúng đối tượng bị ảnh hưởng.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG