ClockChủ Nhật, 16/10/2022 06:29

Chị Yến thoát nghèo

TTH - “Một mình nuôi 3 con ăn học, hoàn cảnh vốn rất khó khăn, nhưng chị Nguyễn Thị Yến (thôn Hà Úc 4, xã Vinh An, Phú Vang) đã rất nỗ lực, chịu khó, nên kinh tế khấm khá hơn xưa. Địa phương đưa vào danh sách được hỗ trợ sinh kế đợt này, để đến cuối năm nay, gia đình chị Yến thoát nghèo” - ông Phạm Phụng, Chủ tịch UBND xã Vinh An cho biết.

Chị Yến thoăn thoắt tráng bánh ép, kịp phục vụ khách hàng

Nói đến các hộ nghèo trên địa bàn, thời gian qua nỗ lực vươn lên, nhiều người dân “tấm tắc” trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Yến. Trước đây, dù vẫn còn khó khăn, nhưng đủ vợ đủ chồng, tuổi lại còn trẻ, nên gia đình chị Yến tự tin sẽ dần dần ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Chồng chị Yến là trụ cột trong gia đình với nghề sửa chữa xe máy. Vừa chăm sóc các con, vừa tranh thủ thời gian để nhặt ve chai, bứt cỏ bán cho những gia đình nuôi trâu, bốc vác… Cách đây 8 năm, người chồng không may qua đời. Một mình xoay xở nuôi 3 đứa con thơ dại, thiếu hụt đủ bề, gia đình chị Yến “rơi” xuống hộ nghèo.

Sau khi tính toán làm công việc gì ngay tại nhà, mang lại thu nhập ổn định, vừa coi ngó, chăm sóc được con nhỏ, chị Yến quyết định chuyên tâm vào nghề bánh ép. Bởi các loại nguyên liệu bột sắn (lọc), tôm, thịt, trứng, mỗi cái bánh ép tươi giá từ 2 -3 nghìn đồng; bánh ép khô 7 nghìn đồng/cái, số vốn ban đầu bỏ ra không lớn. Quan trọng là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có “hoa tay” làm bánh ngon. Đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đó nên hàng bánh ép của chị Yến được khách hàng ưa chuộng.

Tầm 4 giờ chiều, cũng là lúc hàng bánh ép của chị Yến đông khách nhất. Một mình “phụ trách” 3 chảo bánh đặt trên 3 bếp lửa, đôi tay chị Yến thoăn thoắt tráng bột, rắc nhân, trở bánh, gắp bánh ra dĩa. Có lẽ hiểu hoàn cảnh của chủ quán nên nhiều khách hàng quen, tự phục vụ, đem rau sống và bánh vừa tráng xong về bàn của mình, thưởng thức. Thỉnh thoảng vài người khách đến đặt vài chục bánh ép khô. “Bánh ép khô cửa hàng chị Yến ngon lắm. Khi cần gửi đi tỉnh khác làm quà, chúng tôi đặt làm. Thỉnh thoảng cũng có người đặt để gửi ra nước ngoài” - một khách hàng vui vẻ kể.

Chị Yến chia sẻ, ngày nào đắt hàng, cũng kiếm được  200- 300 nghìn đồng, từ món bánh ép tươi. Lấy công làm lãi, chịu khó thức khuya dậy sớm khi có khách đặt bánh ép khô, chị Yến có khoản gom góp thêm để nuôi các con ăn học. Cách đây hai năm, chị Yến được địa phương tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Với số vốn này, chị Yến sang lại quầy hàng tạp hóa của người anh ở sát cạnh, đồng thời bổ sung thêm một số mặt hàng. Thu nhập thêm từ quầy hàng tạp hóa giúp cuộc sống của gia đình khấm khá hơn. Hai đứa con lớn đang học lớp 10 và lớp 8, sau giờ học, phụ giúp mẹ “chạy bàn” hoặc giao dịch với khách mua hàng tạp hóa. “Một ngày của tôi kết thúc lúc nửa đêm là “chuyện bình thường”. Nhiều khi đến 1 - 2 giờ sáng tôi mới được nghỉ ngơi”. Chị Yến bộc bạch rằng, tuy rất vất vả, nhưng mừng vì sản phẩm bánh ép của chị được khách hàng yêu mến. Bánh ép khô được khách hàng đặt ngày một nhiều hơn. Kinh tế gia đình vì thế ngày càng ổn định, khấm khá hơn.  

Bài, ảnh: Nguyễn Đức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm tựa giúp người dân Nam Đông thoát nghèo

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã trở thành “điểm tựa” vững chắc giúp người dân huyện miền núi Nam Đông vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và từng bước thoát nghèo.

Điểm tựa giúp người dân Nam Đông thoát nghèo
Một mốc son tự hào của A Lưới

Chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện A Lưới đã bám sát thực tế, nhất là các tiêu chí, tiêu chuẩn về giảm nghèo bền vững để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt.

Một mốc son tự hào của A Lưới
Khi người dân vươn lên thoát nghèo

Khi người dân phát huy được vai trò chủ thể, họ vượt qua được khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ thế, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Phú Vang giảm đáng kể so với đầu năm nay.

Khi người dân vươn lên thoát nghèo
Cựu chiến binh Nam Đông vươn lên thoát nghèo

Trong phong trào “Cựu chiến binh (CCB) gương mẫu giai đoạn 2019 – 2024”, Hội CCB huyện Nam Đông đã có nhiều nỗ lực để giúp đỡ hội viên vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cựu chiến binh Nam Đông vươn lên thoát nghèo
“Ông giảm nghèo” ở Hương Vân

Là cán bộ đầy nhiệt huyết trong công tác giúp dân thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống, ông Trần Công Thuyên, công chức Văn hóa Xã hội ở phường Hương Vân (TX. Hương Trà) được bà con địa phương thương mến gọi với cái tên... “ông giảm nghèo”.

“Ông giảm nghèo” ở Hương Vân
Return to top