Cung cấp đúng, đủ thông tin sẽ giúp người dân mạnh dạn tham gia BHYT (ảnh minh họa)
Năm 2020, xã Lộc Trì hết hạn 7.769 thẻ BHYT của đối tượng đang sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn (do được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới). Ông Trần Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho biết: “Lao động đi làm ăn xa chiếm đến 1/3 dân số địa phương. Chủ yếu là vào TP. Hồ Chí Minh và đánh bắt xa bờ theo đội tàu tại TP. Hải Phòng. Vì vậy, việc vận động các trường hợp này tham gia BHYT vướng khó”. Ngoài ra, một số hộ dân kinh tế vẫn chưa ổn định, chưa mạnh dạn chi tiền tham gia mua BHYT.
Tại Lộc Điền, địa phương cũng đang gặp khó trong việc vận động người dân mua BHYT, đảm bảo an sinh xã hội. Ông Phạm Lãng, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Điền trăn trở: “Chúng tôi đã tiến hành tuyên truyền chính sách BHYT hộ gia đình đến người dân. Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi số lượng người tham gia BHYT sụt giảm”. Năm 2020, 2.190 thẻ BHYT của đối tượng hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển Formosa tại Lộc Điền hết hạn. Tháng 1/2020, có 1.374 người tham gia BHYT hộ gia đình. So với tháng 12/2019, Lộc Điền sụt giảm 816 thẻ.
Một điểm sáng tại Lộc Điền và Lộc Trì mà chúng tôi ghi nhận được, đó là xuất hiện những thôn, những đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT gần như tuyệt đối. Đó là thôn Miêu Nha (Lộc Điền) và đối tượng hộ cận nghèo (Lộc Trì). Với hộ cận nghèo tại xã Lộc Trì, chị Nguyễn Thị Nở, cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: “Chúng tôi tích cực vận động, không chỉ từ các cuộc họp thôn mà còn “tỉ tê” ngay tại hộ gia đình. Một khi người dân hiểu “sức khỏe là vàng” thì họ sẵn sàng gom góp công lao động, mua thẻ BHYT để bảo vệ bản thân”.
Cũng tại đây, chúng tôi biết được một câu chuyện nhân hậu. Một số hộ cận nghèo sau khi được tuyên truyền, vận động rất muốn tham gia, nhưng kinh tế eo hẹp. Lúc ấy các đại lý thu đã sẵn sàng bỏ tiền để hỗ trợ. Sau này, chính các hộ dân ấy lại tìm đến đại lý thu để trả lại tiền. Cũng từ đó họ gắn bó với BHYT hơn.
Ông Trương Công Khả, Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Đại lý thu có vai trò vô cùng quan trọng. Họ phải nắm vững chính sách, tâm lý, hơn nữa phải gần gũi để người dân “thấm”, tin tưởng”. Thời gian tới, để nâng cao chất lượng, tăng cường hệ thống “chân rết”, BHXH tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa để mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực chuyên môn. “Tất nhiên, trước mắt có thể áp dụng những giải pháp cấp bách như các đại lý sử dụng mạng xã hội để trao đổi, chia sẻ về những chính sách, kịp thời giải quyết thắc mắc, vướng mắc về BHYT và BHXH cho người dân. Hơn nữa, các đại lý phải vừa tuyên truyền lợi ích vừa vận động để người dân đóng đúng thời điểm, tránh bị "lủng" hạn thẻ", ông Khả nói.
Đại lý thu là đầu dây then chốt trong việc tuyên truyền thông tin BHYT đến người dân, đồng thời thay đổi thói quen, cách chi tiêu, giúp người dân mua thẻ phòng biến cố. Có những đại lý thu trách nhiệm, tuyên truyền đúng, đầy đủ sẽ giúp người dân mạnh dạn hơn khi tiếp cận BHYT, đảm bảo an sinh xã hội, quyền lợi về chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Bài, ảnh: Mai Huế